Số liệu từ các trạm quan trắc cho thấy bụi mịn PM 2.5 (đường kính từ 2,5 micron trở xuống) ở Hà Nội năm sau luôn cao hơn năm trước và các chất gây hại cho đường hô hấp có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ.
Tại một cuộc hội thảo mới đây, các chuyên gia môi trường cho biết TP Hà Nội bị ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 và bụi PM 10, đồng thời có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ với các chất kích ứng tổn hại đường hô hấp NO2 và O3. Số liệu từ trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đối với bụi PM 2.5 cho thấy tỉ lệ số ngày có chất lượng không khí tốt năm 2021 hơn 9,6%, số ngày kém và xấu 27,6%, trong khi năm 2022 lần lượt là hơn 5% và 47%.
Vào tháng 3-2024, khi lấy ý kiến về bản kế hoạch quản lý chất lượng không khí, UBND TP Hà Nội cũng cho biết nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong không khí trung bình năm tại thành phố giai đoạn 2018-2020 vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (25 μg/m3). Đáng chú ý, số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air - một kênh thông tin tham khảo về chất lượng không khí tại Việt Nam - cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội vào sáng 5-3 có thời điểm lên tới 241 đơn vị, đưa TP Hà Nội vào tốp đầu thế giới về tình trạng ô nhiễm không khí.
Hà Nội nay thường xuyên nằm trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như sức khỏe. Việc hít thở hằng ngày không khí ô nhiễm không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe như viêm phổi, hen suyễn mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của con người. Khảo sát tại nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn cho thấy tình trạng quá tải bệnh nhân về hô hấp.
Có nhiều nguyên nhân khiến không khí ở Hà Nội ngày càng ô nhiễm. Các chuyên gia môi trường cho rằng có 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: Phương tiện giao thông đường bộ, sản xuất công nghiệp, hoạt động dân sinh, đốt sinh khói và sản xuất nông nghiệp. Trong đó, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM 2.5 lớn nhất, chiếm 50%-70%, tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng...
TP Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2030 bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, theo chỉ số AQI, ít nhất là 75% số ngày trong năm. Nhằm cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội đã thực thi nhiều biện pháp như cấm đun bếp than tổ ong, cấm đốt rơm rạ sau thu thoạch cũng như thực hiện di dời cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi nội thành, tăng cường tưới nước rửa đường, trồng cây xanh... Tuy nhiên, đang gặp khó với nguồn gây ô nhiễm chính là xe máy (hiện có khoảng 7 triệu chiếc), ô tô cá nhân (hơn 600.000 chiếc).
Vẫn biết giảm thiểu ô nhiễm không khí là vô cùng khó khăn bởi đòi hỏi thời gian cùng các giải pháp đồng bộ, kiên trì và quyết liệt. Song, khi bụi mịn đã tới mức báo động đỏ thì khó cũng phải làm.
Bình luận (0)