Lừa đảo "việc nhẹ lương cao" là một trong 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an liên tục đưa ra các cảnh báo, đồng thời tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác. Thế nhưng, nhiều nạn nhân vẫn mắc bẫy qua những thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Khơi gợi lòng tham
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, chị Đ.T.T.H (38 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết đã bị lừa mất 280 triệu đồng khi tìm việc làm trên mạng. Chị H. kể sau khi thất nghiệp, xin việc khó nên lên mạng xã hội tìm kiếm nguồn hàng để bán online. Khi đăng ký trở thành đại lý của một thương hiệu mỹ phẩm nhập khẩu, chị được "giám đốc" kinh doanh của thương hiệu đó gửi đường link để đăng ký thông tin. Vài ngày sau, chị H. được yêu cầu khai báo tài khoản ngân hàng (NH) để thuận lợi cho việc chuyển tiền mua bán.
"Khi đăng ký, tôi thấy công ty tặng nhà phân phối 20 triệu đồng vì trong đợt khuyến mãi. Số tiền đó sẽ được cấn trừ khi nhập hàng chính thức. Vài ngày sau, bên đó báo tôi may mắn được chọn ngẫu nhiên và trúng 150 triệu đồng tiền thưởng dù chưa ký hợp đồng gì. Lúc đó tôi như người trên mây dù tiền chưa về tài khoản" - chị H. kể.
Bằng cách thao túng tâm lý chuyên nghiệp, nhóm lừa đảo nói chị đóng tiền mặt để rút tiền thưởng về, từ 5 triệu đồng rồi nâng dần lên 280 triệu đồng thì hết tiền chị mới ngưng. Ngay khi biết chị H. không còn khả năng đóng thêm tiền, bọn chúng chặn hết mọi liên lạc với chị.
Trong vai nữ công nhân thất nghiệp, phóng viên vào nhóm "Việc làm thêm uy tín..." trên Facebook đăng bài cần tìm việc làm thêm. Khoảng 1 giờ sau, hơn 10 tài khoản lạ nhắn tin chào mời nhiều công việc hấp dẫn. Chọn một tài khoản có hình ảnh đại diện chỉn chu để trả lời, phóng viên lập tức được chào mời làm công việc đánh giá chất lượng dịch vụ cho các đơn vị kinh doanh trực tuyến. Theo đó, công việc của phóng viên là nhận đánh giá 5 sao cho các ứng dụng gọi đồ ăn để tài xế và đơn vị cung cấp suất ăn gia tăng điểm thưởng. Mỗi ngày làm 3 - 5 nhiệm vụ nhận về 50.000 - 100.000 đồng.
Sau đó, đối tượng lừa đảo giới thiệu phóng viên những gói nhiệm vụ cao cấp hơn, tiền hoa hồng rất cao, mức 1 nạp 880.000 đồng sẽ được nhận hoa hồng 308.000 đồng, mức 2 nạp 1.260.000 đồng thì hoa hồng sẽ là 441.000 đồng. Sau đó nhóm đối tượng "kẻ tung người hứng" trong nhóm chat để khơi gợi lòng tham của người tham gia hòng kêu gọi nạp nhiều tiền hơn. Khi phóng viên nói không có tiền, dừng tham gia thì liền bị chửi bới, khủng bố tinh thần.
Cảnh giác
Tại hội thảo "Bảo vệ tài khoản NH trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng", luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết một người quen của mình đã bị dẫn dụ vào làm công việc tương tác các clip trên Facebook để nhận tiền.
Ban đầu người này được chuyển về tài khoản NH 10.000 đồng/lần khi tương tác clip. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã dẫn dụ người này nạp thêm tiền để hưởng chênh lệch cao hơn. Cứ như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, nạn nhân bị lừa mất hơn 25 tỉ đồng. Theo luật sư Thảo, khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người lao động cần trình báo ngay với NH mà mình đã chuyển tiền, cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan an ninh mạng để có biện pháp ngăn chặn và cảnh báo.
"Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ khởi tố vụ án nếu đủ điều kiện nhưng thực tế quá trình điều tra loại hình lừa đảo "việc nhẹ lương cao" không đơn giản. Do vậy, công tác tuyên truyền qua các cơ quan thông tấn báo chí cần được đẩy mạnh để người dân phòng tránh" - luật sư Thảo nói.
Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - NH Nhà nước, cho biết lừa đảo trực tuyến không mới và là một thực trạng trong bối cảnh có nhiều tài khoản NH không chính chủ, tài khoản "rác", gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Hiện Chính phủ đã có Đề án 06, trong đó Bộ Công an làm đầu mối và NH Nhà nước phối hợp để kết nối dữ liệu NH với dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu NH đang có. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đang hoàn thiện những cơ sở hạ tầng kết nối để tạo thuận lợi cho các NH kết nối nhằm xác thực dữ liệu.
Việc làm sạch dữ liệu khách hàng sẽ giảm nhiều rủi ro trong hoạt động phòng chống tội phạm thanh toán, giúp các cơ quan chức năng phòng chống tội phạm gian lận. Để hạn chế lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của NH và người dùng.
Theo thống kê của NH Nhà nước, 90% các khoản chuyển tiền liên NH là dưới 10 triệu đồng. Do đó, thời gian tới sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền liên NH. Giải pháp này cũng sẽ vô hiệu hóa nạn mua bán, cho thuê tài khoản NH đã tồn tại suốt thời gian qua.
Cẩn trọng khi tìm việc
Công an TP HCM cảnh báo sinh viên (SV) tìm việc làm dịp cận Tết cần hết sức cẩn trọng với bẫy "việc nhẹ lương cao". Cảnh báo được đưa ra sau trường hợp một SV tìm việc trên mạng xã hội xin được việc tại kho hàng của một sàn thương mại điện tử lớn ở tỉnh Long An. Khi xuống Long An, SV này được những người xấu đưa lên xe khách cùng nhiều người khác rồi đưa sang Campuchia theo đường tiểu ngạch. Qua biên giới, SV này may mắn trốn thoát và quay về Việt Nam an toàn.
Công an TP HCM khuyến cáo SV, người lao động cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ lịch sử, hoạt động pháp lý của công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn. Qua đó, phòng chống các loại tội phạm bắt cóc, buôn bán người.
Bình luận (0)