icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiễm trùng bàn chân: Biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân tiểu đường

TS - BS Nguyễn Hoài Nam

Nội tiết.- Cả hai giới nam và nữ đều có thể bị bệnh với tỉ lệ như nhau. Bệnh thường đưa đến biến chứng loét và hoại tử bàn chân, gây tàn phế rất cao. Số lượng bệnh nhân nằm viện do các biến chứng ở bàn chân là 25% và có tới 50% các trường hợp cắt đoạn chi không phải chấn thương là do biến chứng của tiểu đường.

Ở Mỹ, hàng năm tiền dùng để điều trị nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường lên tới 1,5 tỉ USD

 

Tiểu đường là một bệnh mạn tính có các yếu tố di truyền. Nguyên nhân thường do hậu quả của tình trạng thiếu hụt nội tiết tố insulin. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tăng hàm lượng đường trong máu và xuất hiện đường trong nước tiểu, cùng với các rối loạn trầm trọng trong chuyển hóa các chất mỡ, đạm, khoáng chất v.v... Các rối loạn này có thể đưa đến biến chứng và tổn thương tại các cơ quan của cơ thể: thần kinh, mạch máu, mắt kèm với tình trạng dễ bị nhiễm trùng của cơ thể.

 

Ngày càng nhiều người mắc bệnh

 

Tại Mỹ, năm 1993 có tới 7,8 triệu người mắc bệnh tiểu đường, tăng gấp 3 lần so với năm 1958 và bệnh này ngày càng tăng

theo thời gian ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

 

Tỉ lệ mắc bệnh thay đổi tùy theo chủng tộc, vùng địa dư, thói quen ăn uống, mập  phì, ít vận động v.v... Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường trong cộng đồng dân cư cũng khá cao và tăng dần hàng năm: Theo số liệu điều tra năm 1991 tại Hà Nội là 1,1%, Huế là 0,96% và một số quận nội thành của TPHCM năm 1992 là 2,5%.

 

Có nhiều loại biến chứng trong bệnh tiểu đường, chủ yếu  biến chứng trên các mạch máu lớn gây nên bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại vi và các biến chứng trên các mạch máu nhỏ: bệnh võng mạc, bệnh thận, bệnh thần kinh.

 

Nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường là một biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân tiểu đường type 2 và là một nguyên nhân gây tàn phế nặng nề cho bệnh nhân. Đàn ông dễ bị loét chân hơn phụ nữ có lẽ do phụ nữ thường chú ý săn sóc cơ thể hơn. Có tới 50% các trường hợp cắt cụt chân không do chấn thương là cắt cụt chân ở những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.

Chi phí cho điều trị biến chứng này rất cao. Ở Mỹ, người ta ước tính hàng năm tiền dùng để điều trị nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường lên tới 1,5 tỉ USD. Ở Việt Nam, đã có những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, chi phí điều trị cả triệu đồng một ngày, chủ yếu là thuốc kháng sinh mà vẫn không giữ nổi chân.

 

Các phương pháp điều trị chủ yếu

 

Điều trị nội khoa nhằm giảm đường huyết, các loại thuốc giãn mạch, thuốc tăng cường mức độ di chuyển của oxy vào trong mô, thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu trong lòng mạch, thuốc điều trị cao huyết áp, bỏ thuốc lá, chống béo phì v.v...

Điều trị ngoại khoa: Làm cầu nối động mạch, tạo hình động mạch bằng phương pháp can thiệp nội mạch, cắt lọc mô nhiễm trùng, cắt thần kinh giao cảm và cuối cùng là cắt cụt chân cho bệnh nhân nếu các phương pháp điều trị thất bại. Trong đó việc điều trị bằng cắt lọc mô nhiễm trùng là bước đầu tiên và rất quan trọng cho những điều trị kế tiếp sau.  Một số tác giả có đề cập đến vai trò của việc điều trị bằng oxy cao áp cho kết quả cũng khá tốt.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM, nhờ cải tiến công tác cắt lọc mô nhiễm trùng, các bác sĩ  ở khoa phẫu thuật lồng ngực và tim mạch đã giảm tỉ lệ cắt cụt chân từ 20% trước đây xuống còn 2-3% trong giai đoạn hiện nay. Đó là một bước tiến đáng kể trong điều trị.

 

 

 Xu hướng “tiểu đường hóa” rất thảm khốc

Ông Clive Cockram, đồng chủ tịch của nhóm chính sách tiểu đường loại II của châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: Tiểu đường đang tăng nhanh ở châu Á hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Nó không còn là căn bệnh của người già nữa mà nó đang được “trẻ hóa” ở lứa tuổi 19-20, cá biệt có trường hợp 9 tuổi cũng mắc bệnh. Một cuộc nghiên cứu cho thấy có khoảng 60 triệu người ở châu Á - Thái Bình Dương mắc bệnh tiểu đường và đến năm 2025 con số này sẽ tăng vọt lên đến 115 triệu. Ông Cockram nhấn mạnh: Xu hướng “tiểu đường hóa” sẽ vô cùng thảm khốc nếu không có biện pháp ngăn chặn. Ở Úc và Nhật Bản có đến 10% ngân sách được dùng cho việc chữa trị bệnh tiểu đường và các triệu chứng có liên quan.  Tr. Quang

 

 Đặc điểm bàn chân tổn thương do tiểu đường

- Giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác đau, bàn chân bị biến dạng, các cơ nhỏ bị teo làm các ngón chân quặp lại, đầu xương cụp xuống, tư thế bàn chân không khớp với giày hoặc dép đúng cỡ.

- Những điểm chịu sức ép cao phát triển nhiều làm da vùng này bị dày lên tạo nên các cục chai ở gót chân, phía ngoài cạnh ngón út hoặc phía trong cạnh ngón cái. Khi dinh dưỡng kém, xây xát và tê có thể làm mô bị phân hủy nhanh tạo điều kiện hình thành các vết loét. Lưu lượng máu ở bàn chân bị tổn thương lúc này gia tăng có thể nhận biết qua hiện tượng mạch nảy mạnh, khi nằm các tĩnh mạch nổi phồng lên, bàn chân ấm cũng nguy hiểm như bàn chân lạnh.

- Loét lòng bàn chân là tổn thương kinh điển. Nó diễn tiến qua các giai đoạn sau:

. Giảm cảm giác đau.

. Giảm khả năng chịu lực.

. Da vùng chịu sức ép dày lên.

. Hình thành các bọng nước tại các điểm chịu sức ép.

- Viêm và nhiễm trùng các bọng nước.

- Viêm xâm lấn, phá hủy mô xung quanh gây nên hiện tượng hoại tử và tạo nên các vết loét nhiễm trùng.

- Bàn chân có thể bị sưng phù do suy yếu của hệ tĩnh mạch và suy tim càng làm nặng thêm hiện tượng viêm  loét.

 

 

 Săn sóc bàn chân tiểu đường

. Phải hoạt động thể lực đều đặn, tôn trọng các biện pháp bảo vệ sức khỏe chung.

. Giữ gìn vệ sinh bàn chân, chỉ nên cắt móng chân sau khi tắm rửa khi móng còn mềm, cắt dứt khoát, đừng bao giờ cắt sát da quá. Móng chân mọc vào trong hoặc móng dày thì nên đến thợ chuyên nghiệp để cắt.

. Nên đi khám bàn chân định kỳ mỗi 3 hoặc 6 tháng.

. Báo ngay cho bác sĩ những triệu chứng của hiện tượng thiếu máu cục bộ ở bàn chân như: cảm giác kiến bò, da đổi màu, phù nề, phồng giộp, chấn thương hoặc có các cục chai.

. Với những bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ cao cần phải:

- Tự quan sát bàn chân mỗi ngày, nếu không tự làm được có thể nhờ người khác giúp đỡ.

- Điều quan trọng là phải cẩn thận khi chọn giày, giày không được chật quá hoặc rộng quá, dân gian có câu “giày thừa, dép thiếu” có lẽ rất phù hợp với bệnh nhân tiểu đường. Trước khi mang giày nên kiểm tra xem có vật lạ bên trong hay không. Giày phải thoải mái và phù hợp với nghề nghiệp, chỉ nên mang giày trong một thời gian ngắn 2-3 giờ. Phân bố sức nặng phải đồng đều khi mang giày, việc này khó thực hiện với một vài loại giày như giày cao gót. Những người có các cục chai hoặc biến dạng bàn chân phải dùng các loại giày được đóng riêng tuy hình thù có thể không được đẹp lắm. Việc chọn giày cũng phải căn cứ theo khí hậu và lối sống, ví dụ không nên đi giày cao su vào mùa nóng v.v...

- Rửa chân kỹ hàng ngày, thay vớ và đế lót. Sau khi rửa chân nên lau lại bằng khăn mềm thật kỹ các kẽ ngón, đặc biệt là giữa kẽ ngón 3-4 và 4-5. Nếu da bị khô nên bôi kem trung tính, đừng bao giờ dùng các loại thuốc chữa chai da. Tránh bỏng chân bằng cách không đi chân trần trên nền nóng, không rửa chân bằng nước nóng, không hơ chân trên ngọn lửa v.v...       M.Tâm tổng hợp

 Đúng sai?

1. Khi bị nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường, cần nhập viện điều trị để tránh phải cắt cụt chân? ĐÚNG!  Vì chỉ trong bệnh viện việc điều trị ngoại khoa và kiểm soát đường huyết mới triệt để và có kết quả tốt.

2. Khi bị nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường, nên ngâm chân vào dung dịch thuốc sát trùng trước khi thay băng? SAI! Không nên làm như vậy vì sẽ làm nhiễm trùng lan rộng lên trên và không kiểm soát được.

 

 

Nhiều tiến bộ trong điều trị ngoại khoa

 

Phỏng vấn tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoài Nam- giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM

 

"Ở nước ngoài, có thể sử dụng kỹ thuật nội mạch như nong, khoan bằng laser, siêu âm, khoan cắt tốc độ cao, đặt khung đỡ v.v... trong điều trị với kết quả rất tốt"

 

img Phóng viên: Thưa ông, từ xưa đến nay những người bị các vết thương ở chân thường được chỉ phải ngâm chân trong nước muối hoặc thuốc sát trùng. Vậy những người bị biến chứng bàn chân tiểu đường cũng vậy?

 

- TS- BS Nguyễn Hoài Nam: Bác sĩ David R. Campbell, Đại học Harvard (Mỹ), một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, đã mổ cho hơn 3.000 bệnh nhân bị  nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường khuyên không bao giờ được ngâm chân vào nước sát trùng. Việc cấm ngâm chân như là một điều trị kinh điển vì hai lý do: Thứ nhất, da bàn chân bị ẩm rất dễ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập; thứ hai, bệnh nhân có thể bị bỏng bởi nước nóng do bệnh lý thần kinh gây mất cảm giác không nhận được nhiệt độ của nước.

imgÔng có nói rằng những cải tiến mới trong kỹ thuật ngoại khoa giảm tỉ lệ cắt cụt chân 20% xuống còn 2% - 3%. Những điểm mới đó là gì?

- Những điểm mới đó là:

1. Tiến hành cắt lọc làm nhiều lần, cắt hết mô hoại tử cho đến khi thấy máu chảy ra từ vết mổ là được.

2. Phải cắt bỏ những xương viêm và xương chết, được phát hiện nhờ chụp phim X- quang hoặc thăm dò trong lúc mổ bằng một dụng cụ đặc biệt gọi là Stylé.

3. Ghép, nối hoặc tạo hình động mạch nuôi chân. Công việc này rất khó, đòi hỏi bệnh nhân phải được khảo sát kỹ hệ thống động mạch trước khi mổ bằng siêu âm Doppler màu mạch máu, bằng chụp X- quang động mạch kỹ thuật số có xóa nền (DSA) và bằng chụp động mạch với cộng hưởng từ  (MRI). Các xét nghiệm cao cấp này khá đắt tiền, giá thành từ 1.800.000 đồng –2.500.000 đồng. Kỹ thuật này đòi hỏi phải có sự phối hợp thật tốt giữa các bác sĩ phẫu thuật mạch máu, đôi khi phải sử dụng đến kỹ thuật vi phẫu thuật để nối ghép các mạch máu rất nhỏ. Ở nước ngoài, có thể sử dụng kỹ thuật nội mạch như: nong, khoan bằng laser, siêu âm, khoan cắt tốc độ cao, đặt khung đỡ v.v... trong điều trị với kết quả rất tốt. Tuy nhiên điểm trở ngại lớn nhất vẫn là các thiết bị để làm kỹ thuật nội mạch rất đắt tiền, không phải bệnh nhân nào cũng chấp nhận được và không phải bệnh viện hay trung tâm y tế nào cũng có khả năng trang bị được.

4. Sau mổ, bệnh nhân được kê chân cao trên khung Brown, nhằm giúp cho việc hồi lưu của máu trở về tim bằng đường tĩnh mạch trở nên dễ dàng, bàn chân không bị sưng nề và vết mổ chóng lành. 21 ngày sau, người bệnh có thể đi lại, nhưng với hai chiếc nạng và không được tỳ hoặc chống bàn chân bị đau xuống đất.

5. Một số kỹ thuật khác có thể được sử dụng nhằm cứu bàn chân bị nhiễm trùng do tiểu đường như kỹ thuật ghép da rời, ghép da có cuống hoặc xoay vạt da. Tuy nhiên, việc thực hiện rất công phu, đòi hỏi sự kiên trì ở cả bệnh nhân và bác sĩ vì phải mổ nhiều lần. Điều này khá mới lạ đối với bệnh nhân Việt Nam (theo thói quen, người bệnh chúng ta chỉ chấp nhận mổ một lần, rất khó thuyết phục người bệnh mổ đến lần thứ hai, ba v.v...).

6. Bên cạnh bác sĩ phẫu thuật còn có vai trò rất quan trọng của các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, chính họ là những người điều chỉnh lượng đường trong máu và nước tiểu mỗi ngày, nhằm giúp cho cuộc mổ có được kết quả tốt.

imgXin cảm ơn ông.

Thiên Phúc thực hiện

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo