Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), đồng thời tạo điều kiện cho NLĐ học tập, rèn luyện và nâng cao tay nghề ở những nước tiên tiến để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ làm ăn chụp giật, có dấu hiệu lừa đảo đã lợi dụng sự nôn nóng, thiếu thông tin của NLĐ để lừa gạt họ cả tiền bạc, thời gian và công sức khiến cho thị trường XKLĐ bị méo mó, làm NLĐ mất niềm tin.
Ăn quả lừa
Lê Anh Tuấn (22 tuổi, quê Đồng Nai) và nhóm bạn 7 người đến một công ty có tên A.P.E. (trụ sở đặt trong khuôn viên một trường đại học ở quận 2, TP HCM) để tìm hiểu về chương trình du học nghề sang Đức. Trước khi chọn A.P.E, Tuấn và nhóm bạn cũng đã tham khảo một vài công ty. Nhóm của Tuấn được biết công ty này đặt trụ sở chính ở Hà Nội và có tên tuổi trên thị trường. "Phía công ty A.P.E. cam kết có thể lấy được hợp đồng sớm hơn vì đối tác của họ bên Đức rất nhiều. Công ty còn bảo đảm học viên sẽ học tiếng Đức nhanh hơn, thi đậu 100%, lương học nghề trên 1.000 euro... nên chúng tôi rất yên tâm" - Tuấn nói.
Nhóm lao động trong một vụ lừa đảo xuất khẩu lao động
Cuối năm 2019, nhóm của Tuấn đã đóng tiền cho công ty A.P.E. để "chắc" suất sang Đức du học nghề. Dịch Covid-19 bùng phát, công ty thông báo cho học viên học trực tuyến nhưng nhóm của Tuấn chờ đợi mỏi mòn, sốt ruột, Tuấn gọi ra trụ sở chính của công ty ở Hà Nội thì mới biết chi nhánh ở phía Nam không liên quan gì. Quá lo lắng, cả nhóm tìm đến văn phòng thì nơi đây đã đóng cửa và cũng không thể liên lạc được với người có trách nhiệm.
Từ Nhật Bản trở về sau khi hết hạn thực tập sinh (TTS) vào giữa năm 2019, anh Nguyễn Vinh Sang (26 tuổi quê Quảng Bình) vào TP HCM tìm việc làm. Tình cờ đọc được quảng cáo tuyển TTS theo diện kỹ năng đặc định cho đơn hàng xây dựng sang Nhật Bản làm việc với thu nhập hấp dẫn của một công ty trên mạng xã hội, Sang đã chủ động liên hệ. "Công ty cam đoan tôi sẽ được đi ngay khi đủ giấy tờ cần thiết, kể cả khi có dịch. Công ty chỉ thu trước 1.200 USD chi phí làm hồ sơ. Thấy cũng không bao nhiêu nên tôi quyết định tham gia" - Sang nói.
Sau khi chi một khoản tiền không nhỏ và ký một loạt giấy tờ, thông qua bạn bè, Sang mới biết chương trình kỹ năng đặc định chưa được triển khai. Biết bị lừa, Sang đến công ty xin rút tiền thì lúc này họ đưa ra các giấy tờ mà anh đã ký trong đó có điều khoản "công ty không có trách nhiệm bồi hoàn bất cứ khoản tiền nào khi ứng viên tự ý bỏ đơn hàng". Ngậm ngùi trở về, Sang tự hỏi tại sao mình có thể dễ dàng bị lừa như vậy!
Nhận diện
Bà Lê Thị Tuyết, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tokyo VNJ (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết dù được báo chí, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bị lừa.
Theo bà Tuyết, nếu gặp những dấu hiệu sau đây, NLĐ nên cẩn thận vì rất có thể đã vào mê cung của những công ty lừa đảo. Biểu hiện rõ nhất là tư vấn những đơn hàng lương "khủng" với mức phí thấp đến siêu thấp; tư vấn ở công ty này trong khi đưa sang công ty khác; không có giấy cam kết mức phí đã thông báo hoặc không làm giấy xác nhận khi nhận tiền; hướng dẫn NLĐ làm giả giấy tờ khi không đạt yêu cầu về điểm nào đó (ví dụ làm giả bằng tốt nghiệp cấp 3, cao đẳng,…); dụ dỗ NLĐ đi theo các con đường "chui" như du lịch, du học...; bắt NLĐ phải chờ quá lâu, không cấp visa khi đến thời gian chỉ định xuất cảnh; bắt đóng tiền cọc chống trốn. "Những công ty làm ăn chân chính không bao giờ thực hiện những điều này" - bà Tuyết nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Kiều Phi, người từng bị lừa phải nhờ Báo Người Lao Động đòi lại quyền lợi hiện đang làm TTS tại Nhật Bản, cho rằng không khó nhận diện hành vi của các công ty lừa đảo. "Khi các bạn bước vào văn phòng một công ty mà chỉ nhìn thấy vài ba cái bàn và vài ba nhân viên tư vấn là không ổn rồi. Thông thường, DN đủ điều kiện được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cấp phép có tổ chức rất bài bản, chẳng hạn như phải có đủ phòng ban, khu học tập, khu chức năng, chứ loe ngoe vài người ngồi trong một căn phòng nhỏ thì phải hết sức cảnh giác" - Phi chia sẻ.
Phi cũng nhắn nhủ đến các bạn trẻ có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc hãy tìm hiểu thật kỹ nước mình sẽ đến, chương trình mình muốn tham gia và đặc biệt, hãy chọn đúng công ty dịch vụ uy tín bằng cách tham khảo các cơ quan liên quan như Sở LĐ-TB-XH hay trên báo chí chính thống để tránh "tiền mất tật mang".
Kỳ tới: Muôn kiểu lừa đảo
Tìm hiểu kỹ thông tin
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài cần tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan, nhất là tư cách pháp nhân của các công ty dịch vụ XKLĐ. Khi đến văn phòng tư vấn XKLĐ nào đó mà thấy có "liên kết" với công ty khác thì NLĐ cần liên hệ ngay công ty đó để xem họ có liên kết thật hay không, hoặc yêu cầu họ cung cấp giấy phép hoạt động XKLĐ hoặc kiểm tra tên công ty đó trong danh sách được cấp phép trên trang thông tin điện tử www.dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Bình luận (0)