xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ĐBSCL khan hiếm lao động trình độ cao

Bài và ảnh: CA LINH

Giáo dục đại học của ĐBSCL cần ưu tiên đào tạo các ngành có nhu cầu cao nhằm đáp ứng lao động có trình độ trong khu vực đang khan hiếm

Hiện ĐBSCL có lực lượng lao động dồi dào nhưng nguồn chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp (DN) rất ít. Bên cạnh đó, đặc điểm lao động của ĐBSCL đang dịch chuyển từ khu vực nông thôn sang công nghiệp và dịch vụ, do vậy nhiệm vụ đặt ra của các cơ sở giáo dục là dịch chuyển theo hướng các ngành nghề mà vùng đang cần, nhất là các lĩnh vực về kỹ thuật công nghệ.

Mỏi mắt tìm ứng viên

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ phối hợp với 13 trung tâm DVVL trong khu vực ĐBSCL và 5 trung tâm ở Đông Nam Bộ tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Có 266 DN ở 2 khu vực tham gia tuyển dụng trên 17.000 vị trí việc làm. Riêng tại TP Cần Thơ có 42 DN với nhu cầu tuyển hơn 180 lao động có kỹ năng và trình độ cao. Nhưng xem ra, cầu chưa gặp cung.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ, cho biết nhu cầu tuyển dụng của các DN ở nhiều vị trí như: kế toán, kỹ sư cầu đường, bác sĩ, điều dưỡng, công nhân may, nhân viên văn phòng, lập trình viên, hỗ trợ và triển khai hệ thống, bếp chính… Hiện trung tâm nhận ủy thác của nhiều DN để tuyển gần 100 người có trình độ cao ở các vị trí trưởng phòng marketing, hành chính, nhân sự… Tuy nhiên, dù đăng thông báo tuyển dụng đã lâu nhưng vẫn chưa có người.

ĐBSCL khan hiếm lao động trình độ cao - Ảnh 2.

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ tư vấn việc làm cho người lao động

Theo ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm, do nhu cầu mở rộng nhà máy sản xuất nên công ty tuyển khoảng 40 nhân sự cho các vị trí: công nhân sản xuất, nhân viên văn phòng, trưởng phòng truyền thông… "Lao động phổ thông không khó tuyển, còn vị trí trưởng phòng hay kế toán trưởng thì tìm không ra. Do vậy, công ty chọn giải pháp là tuyển sinh viên mới ra trường để đào tạo" - ông Ngãi nói.

Ngoài ra, nhiều DN tại các tỉnh, thành Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh… tuyển các vị trí có trình độ cao như: giám đốc chi nhánh, phó giám đốc trung tâm kinh doanh, quản lý khu vực, giám đốc điều hành... nhưng vẫn chưa có ứng viên đáp ứng được yêu cầu.

Số liệu của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy đặc điểm lao động của ĐBSCL đang dịch chuyển, trong giai đoạn 2010 - 2020 tỉ trọng lao động nông nghiệp giảm 14%, công nghiệp - xây dựng tăng 8% và dịch vụ tăng 6%. Chuyển dịch chủ yếu xảy ra từ năm 2016 - 2020, lao động trong nông nghiệp là 39%, công nghiệp và xây dựng là 25% và dịch vụ là 36%.

Chung tay hóa giải

GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết thực trạng lao động tại ĐBSCL phần lớn chưa qua đào tạo. Chỉ khoảng 7% trên tổng số dân ở bậc đại học (cả nước là 63%). Từ đó cho thấy vấn đề đào tạo và trình độ nguồn nhân lực của ĐBSCL còn thấp nên khó cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đô thị hóa ở ĐBSCL khá nhanh, vì vậy rất cần nguồn nhân lực được đào tạo, huấn luyện bài bản.

GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn lực có trình độ đại học, việc xác định chỉ tiêu đào tạo của các trường đại học trong vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng. "Hiện rất cần DN, nhà tuyển dụng kết nối với nhà trường cùng xây dựng những hoạt động trải nghiệm thực tế, tạo cho sinh viên vừa học vừa làm, sớm làm quen với môi trường làm việc tại DN sau khi tốt nghiệp" - GS-TS Phương nói.

Theo ông Trần Văn Khái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, nhiều năm qua, địa phương đã đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực và có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực có trình độ cao tham gia vào giảng dạy và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ. Vĩnh Long cũng đang xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với DN tìm hiểu nhu cầu lao động để có hướng đào tạo hợp lý.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho hay địa phương đang tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu của DN. Trong đó, đã xây dựng các mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo phù hợp với tình hình mới. "Ngoài hợp tác liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trà Vinh còn cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo mục tiêu của từng ngành, lĩnh vực" - ông Hẳn nhấn mạnh.

Ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, đánh giá việc Trung tâm DVVL thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến giúp các tỉnh, thành có được nguồn lao động dồi dào để cung ứng cho DN. Đây là cầu nối thực hiện mô hình liên kết của các trường đào tạo - cơ sở giáo dục nghề nghiệp - DN, giới thiệu cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho thị trường lao động, cũng là cơ hội cho người lao động tìm kiếm được việc làm, phù hợp với khả năng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo