Trả lời câu hỏi của báo Người Lao Động tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT sáng 26-12, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, cho biết đến thời điểm này, BXHH là cơ quan thực hiện chính sách chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào từ cấp thẩm quyền về việc thay đổi cách tính lương hưu. "Luật quy định sao, chúng tôi làm vậy" - ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, cơ quan BHXH vẫn sẽ thực hiện theo Luật BHXH năm 2014, nghĩa là với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khoảng thời gian trên, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động được tính thêm 2%. Với việc thay đổi cách tính này, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỉ lệ tối đa 75%). Sau ngày 1-1-2018, lao động nữ nghỉ hưu đóng đủ 25 năm BHXH thì chỉ được hưởng 65% tiền lương tháng đóng BHXH.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cũng thông tin thêm dự báo năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5% đến 10%, trong đó thời điểm ngày 1-1-2018 sẽ có 3.000 lao động nữ bị ảnh hưởng bởi chính sách này.
Cũng theo ông Sơn, trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam đã đề xuất phương án áp dụng lộ trình tính lương hưu cho nữ giới để giảm thiệt thòi với đối tượng này theo hướng: 15 năm đầu đóng bảo hiểm, lao động nữ được tính bằng 45%; nghỉ hưu năm 2018 và 8 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Tuy nhiên, để vấn đề này thực thi thì phải được Quốc hội thông qua.
Bình luận (0)