Sáng 27-12, khi biết tin đến nay các kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tạm dừng thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH 2014 vẫn chưa có phản hồi, nhiều công nhân (CN) Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM) đã chia sẻ trên mạng xã hội sự thất vọng về vấn đề này.
Người lao động hoang mang
Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty Việt Nam Samho, cho biết công ty hoạt động từ năm 1995, đến nay có hơn 1.000 CN có thời gian tham gia BHXH trên 20 năm. Chính vì vậy, thời gian qua, thông tin giảm tỉ lệ lương hưu của lao động nữ được CN quan tâm và chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Đa phần các ý kiến đều thể hiện sự bất bình đối với điểm mới, cũng là "điểm lùi" của chính sách BHXH.
"CN cho rằng Luật BHXH quá áp đặt, buộc người lao động (NLĐ) phải tham gia nhưng luôn tìm cách siết chặt các quyền lợi. Chẳng hạn, trước đây lao động nữ được hưởng 45% lương cho 15 năm đóng BHXH khi nghỉ hưu, sau đó mỗi năm tiếp theo được tính thêm 3% nhưng nay chỉ còn 2%. Bản thân tôi là người đối diện, tiếp xúc với NLĐ hằng ngày nên hiểu rất rõ đời sống NLĐ hiện nay còn rất khó khăn, mức lương eo hẹp khiến họ phải sống rất chật vật. Mặt khác, với những CN trực tiếp sản xuất, tuổi nghề không cao nên việc đạt đủ số năm hưởng lương hưu đã khó, nay nếu đạt được nhưng với mức lương hưu lại bị cắt giảm thì thử hỏi khi về già làm sao NLĐ sống được bằng lương hưu?" - ông An chia sẻ.
Lao động nữ làm việc nặng nhọc, tuổi nghề ngắn, khi nghỉ hưu càng bị thiệt thòi Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Là doanh nghiệp có nhiều lao động nữ, ông Nguyễn Ngọc Tráng - Chủ tịch CĐ Công ty Sơn Kim, quận 2, TP HCM - nhận xét: "Theo tôi, lao động nữ sức khỏe không bảo đảm về lâu dài như nam giới, lại phải sinh con và nuôi con nên việc kéo dài thời gian để hưởng lương hưu tối đa là vô cùng khó khăn. Đặc biệt trong một số ngành nghề có yếu tố độc hại thì sức khỏe hao mòn nhiều, tuổi nghề rút ngắn. Nếu có điều chỉnh cũng cần lộ trình hợp lý, từng bước một chứ không thể làm ngay lập tức vì sẽ gây sốc cho chị em".
Cũng có cùng suy nghĩ, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, Công ty TNHH Nam Việt (quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết chị và nhiều chị em trong công ty cảm thấy rất hoang mang và "có cảm giác mình bị lừa". Chị nói: "Một CN may làm sao có thể ngồi may đến 30 năm để nhận được lương hưu mức tối đa? Vì thế, thay mặt hàng triệu CN lao động, tôi mong muốn Quốc hội, các cơ quan chức năng nên xem xét đừng để lao động nữ thêm thiệt thòi".
Đừng dập tắt niềm hy vọng
Ngay khi Luật BHXH thông qua năm 2014, nhiều cán bộ CĐ đã có ý kiến nhiều quyền lợi của NLĐ bị giảm, đặc biệt là lao động nữ. Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sanofi Aventis (quận 4, TP HCM), nói: "Có người cứ so sánh tỉ lệ hưởng lương hưu của các nước và cho rằng tỉ lệ hưởng lương hưu của ta vẫn còn cao hơn. Những người này không, hoặc cố tình quên là thu nhập của NLĐ Việt Nam rất thấp, chưa bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho họ và gia đình. Với lao động nữ, nếu duy trì mức lương hưu như hiện nay thì cuộc sống của họ chưa bảo đảm khi nghỉ hưu. Do vậy, nếu tiếp tục giảm thì cuộc sống của họ sẽ ra sao? Họ biết dựa vào đâu? Các ý kiến của đại biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua làm cho họ có được một tia hy vọng. Mong rằng các cơ quan có trách nhiệm đừng dập tắt niềm hy vọng nhỏ nhoi ấy".
Bản thân là cán bộ nữ công, có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi lao động nữ nhưng đồng thời cũng là lao động nữ, đối tượng bị ảnh hưởng bởi quy định điều chỉnh cách tính lương hưu cho nữ từ năm 2018, bà Phạm Thị Kim Khen, Trưởng Ban Nữ công CĐ các doanh nghiệp công ích và dịch vụ thương mại TP HCM, rất lo lắng. Bà nhìn nhận đây là một chính sách không hề có lợi cho NLĐ, gây hoang mang, bức xúc trong nữ CNVC-LĐ. "Tại các hội nghị triển khai các quy định mới của Luật BHXH do CĐ khối tổ chức gần đây, nhiều ý kiến chất vấn về việc này và đến nay chúng tôi vẫn không thể nào trả lời thỏa đáng cho họ. Tôi hy vọng Quốc hội sẽ xem xét lại, đừng để chị em đã vô cùng vất vả khi làm việc nhưng đến lúc nghỉ hưu vẫn phải chịu thiệt thòi" - bà Kim Khen kỳ vọng.
Là người sẽ nghỉ hưu vào tháng 3-2018 và nằm trong số những người bị thiệt thòi bởi điều 56 Luật BHXH sẽ có hiệu lực vào vài ngày tới, bà Nguyễn Thị H., CN Công ty Môi trường đô thị TP HCM, cho biết với thu nhập hiện tại, bà đã rất khó khăn với bài toán chi tiêu của gia đình, sắp tới về hưu với mức lương hưu thấp thì không biết sẽ xoay xở thế nào. Bà H. tâm sự: "Đáng lẽ ngày về hưu sẽ là ngày vui vì được nghỉ ngơi, an hưởng sau bao nhiêu năm làm việc vất vả nhưng giờ thì chỉ thấy rất hoang mang, lo lắng".
Ông ĐẶNG NGỌC ĐỒNG, Chủ tịch Công đoàn Công ty Môi trường đô thị TP HCM:
Đề nghị Quốc hội xem xét lại
Từ khi những thông tin về việc giảm lương hưu của lao động nữ từ năm 2018 được thông báo rộng rãi, NLĐ đã rất lo lắng. Cụ thể như tại đơn vị tôi, có 51 trường hợp sắp đến tuổi nghỉ hưu bị ảnh hưởng quyền lợi. Nhất là với những trường hợp sẽ nghỉ hưu trong năm 2018, nếu việc giảm lương hưu có hiệu lực, họ mất trắng 10% tiền lương hưu. Điều này không phải quá vô lý và thiệt thòi cho họ sao? Thực tế là một số chị em lấn cấn vì việc này mà xin nghỉ hưu trước tuổi. Họ cũng đã tìm đến CĐ để thắc mắc. Tôi chỉ có thể giải thích và trấn an họ nhưng một mặt tôi cũng kiến nghị Quốc hội nghĩ đến cuộc sống của NLĐ mà xem xét sửa luật.
Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Nhất thiết phải có lộ trình
Do thời gian có hiệu lực để áp dụng quy định này chỉ còn vài ngày nữa, các chính sách hưu trí vẫn phải thực hiện theo pháp luật. Theo quan điểm cá nhân tôi, để giảm bớt thiệt thòi cho người tham gia BHXH, Cơ quan BHXH cần thống kê cụ thể danh sách các trường hợp lao động nữ nghỉ hưu sau ngày 1-1-2018, tổng số tiền lương bị thiệt thòi do thay đổi chính sách (giảm tỉ lệ % hưởng lương hưu) và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ hoặc điều chỉnh cho phù hợp. Có như vậy mới bảo đảm quyền lợi của lao động nữ nghỉ hưu sau ngày 1-1-2018.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi Luật BHXH năm 2014, dù có hiệu lực thi hành chưa được 2 năm nhưng còn nhiều quy định bất cập, nhất là các quy định điều chỉnh mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ nhất thiết phải có lộ trình, ít nhất phải tương đương với lộ trình điều chỉnh mức lương hưu của lao động nam.
Bình luận (0)