xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỹ sư chip bán dẫn, vi mạch mới ra trường: Thu nhập 215 - 500 triệu đồng/năm sau thuế

Bài và ảnh: HẢI ĐỊNH

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đào tạo nhân lực ngành bán dẫn vi mạch là nhiệm vụ ưu tiên trong các chỉ đạo giáo dục vào năm 2024 và các năm sau

Ngày 19-10, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam", với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, TP Đà Nẵng, đại diện gần 40 trường ĐH và nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Tuyển không ra nhân sự

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, cho biết hiện nhân sự một số ngành công nghệ thông tin dễ bị giảm lương hoặc đào thải sau 7-8 năm làm việc, trong khi lao động ngành vi mạch bán dẫn được trả lương theo kinh nghiệm, làm càng lâu lương càng cao.

"Thu nhập sau thuế của kỹ sư tăng đều theo từng năm. Theo khảo sát, sinh viên (SV) mới ra trường có mức thu nhập sau thuế từ 215 - 500 triệu đồng/năm. Các kỹ sư có thâm niên thu nhập hơn 1,3 tỉ đồng/năm. Đây là mức thu nhập rất hấp dẫn" - ông Vinh nói. Tuy nhiên, có đến 46% công ty tham gia khảo sát cho biết vấn đề lớn nhất trong 3 năm tới là nguồn nhân lực.

Ông Vinh cho hay hiện có khoảng 50 công ty thiết kế vi mạch tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại TP HCM. Cứ trung bình một công ty mới lập ra thì cần tuyển 50 - 100 kỹ sư trong năm đầu tiên. Dù ở TP HCM, SV học năm 3 đã có thể đi làm, nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn tuyển không ra người.

Ông Trịnh Khắc Huề, Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam, cho hay từ đầu năm, DN có nhu cầu tuyển 20 kỹ sư tại Hà Nội. Nhưng đến nay chỉ mới tuyển được 6 kỹ sư có kiến thức về vi mạch. Điều này thể hiện dù các trường đều sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực về chip bán dẫn nhưng khoảng cách giữa quyết tâm đào tạo và thực trạng đáp ứng nhân lực còn rất xa.

Đồng quan điểm, PGS-TS Bùi Thanh Tùng, Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), đánh giá hằng năm, trong nước có nhu cầu bổ sung hơn 100.000 nhân lực lĩnh vực bán dẫn. Trong đó, ngành công nghiệp cần 10.000 kỹ sư nhưng đào tạo nguồn nhân lực chỉ đáp ứng chưa đến 20%. "Nhân sự lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 500 kỹ sư/năm, thiếu về số lượng và chưa đạt yêu cầu về chất lượng" - ông Tùng nêu rõ.

Kỹ sư chip bán dẫn, vi mạch mới ra trường: Thu nhập 215 - 500 triệu đồng/năm sau thuế - Ảnh 2.

Kỹ sư ngành chip bán dẫn, vi mạch mới ra trường có thu nhập sau thuế từ 215 - 500 triệu đồng/năm

Tăng cường liên kết đào tạo

Dịp này, các đại biểu đề xuất nhiều cơ chế ưu tiên cho ngành đào tạo chip bán dẫn. Trong đó, cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư, đồng hành phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và vi mạch; thu hút nhà nghiên cứu giỏi tham gia giảng dạy tại các trường ĐH; huy động nguồn lực và đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như có các học bổng cho SV theo học và đãi ngộ thu hút giáo viên, nhà nghiên cứu.

Đại diện nhiều trường ĐH cũng kiến nghị cần có chiến lược cấp quốc gia về công nghệ bán dẫn để huy động các nguồn lực lâu dài, bổ sung mã ngành cấp 4 cho ngành thiết kế vi mạch cho ĐH và sau ĐH. Cùng với đó, đẩy nhanh thí điểm ngành thiết kế vi mạch cho các trường đủ năng lực và cơ chế phối hợp...

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, nhấn mạnh đào tạo nhân lực ngành bán dẫn vi mạch là nhiệm vụ ưu tiên trong các chỉ đạo giáo dục vào năm 2024 và các năm sau. Nếu phát triển được lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, các trường ĐH sẽ nâng được tầm và vị thế của đất nước.

Bộ trưởng yêu cầu các trường ĐH cần đột phá hơn nữa, tăng cường các chương trình liên kết với nước ngoài và các DN; DN cần chia sẻ chỗ thực hành để đào tạo chắc chắn nguồn nhân lực ngay từ đầu... "Trách nhiệm của Bộ là làm chỗ dựa pháp lý vững chắc. Bộ sẽ chuẩn bị về thể chế, cái gì làm được thì làm ngay, như xây dựng mô hình ban điều hành để điều phối các trường ĐH tham gia đào tạo nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn. Ngoài ra, trong thời gian ngắn nhất sẽ hình thành chuẩn chương trình tuyển sinh, đào tạo theo một cơ chế đặc biệt" - Bộ trưởng khẳng định.

Trong khuôn khổ hội thảo, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký kết biên bản hợp tác liên minh cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Thu hút nhân lực chất lượng cao

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển chip bán dẫn và công nghệ liên quan, thành phố cũng đã thống nhất cao về việc kết hợp đào tạo nguồn nhân lực qua 2 hình thức là đào tạo cơ bản và cấp tốc. "Xác định đến năm 2030, kinh tế số của Đà Nẵng chiếm tối thiểu 30% GRDP, đạt ít nhất 8.950 DN, 115.000 nhân lực công nghệ số. TP Đà Nẵng cần Quốc hội thông qua một số cơ chế chính sách đột phá để phát triển công nghiệp chip bán dẫn; có chính sách ưu đãi về thuế cho DN. Nếu làm được sẽ thu hút rất lớn nhân lực chất lượng cao cả trong và ngoài nước" - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề xuất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo