Sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt đề xuất trình Chính phủ tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2022 với mức 6% từ ngày 1-7-2022, Navigos Group - tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam có báo cáo "Khảo sát lương 2022: Thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động (NLĐ)". Nhiều thông tin quan trọng trong báo cáo cho thấy vấn đề tiền lương, phúc lợi luôn là những quan tâm hàng đầu của NLĐ.
Lương, phúc lợi xếp hàng đầu
Theo báo cáo, danh sách 10 phúc lợi hàng đầu mà NLĐ nhận được trong năm 2021 được xếp theo thứ tự là: lương tháng 13; phúc lợi về sức khỏe, y tế; chương trình chăm sóc sức khỏe; thời gian làm việc linh hoạt; phụ cấp đi lại; làm việc tại nước ngoài; ứng trước lương; chế độ làm việc linh hoạt; ngày nghỉ, ngày nghỉ dịp sinh nhật và hỗ trợ phí cho học tập.
Kết quả khảo sát năm qua cũng cho thấy số tiền thưởng trung bình cao nhất mà NLĐ nhận được là 1 tháng lương chiếm 40,53%, tiếp đó 22,2% số người tham gia khảo sát được nhận thưởng 2 tháng lương. Có 12,85% số NLĐ nhận thưởng dưới 1 tháng lương. Gần 33% số người hài lòng và hoàn toàn hài lòng về chế độ phúc lợi và 46,2% cảm thấy ổn với chế độ phúc lợi của công ty. Vẫn còn gần 21% số NLĐ không hài lòng và hoàn toàn không hài lòng về chế độ phúc lợi của công ty hiện tại.
Ngoài lương, thưởng, hằng năm Công ty CP Sài Gòn Food còn dành nhiều tỉ đồng thuê xe đưa đón người lao động về quê đón Tết
Bên cạnh đó, có gần 39% ý kiến cho biết họ phải chịu tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên doanh nghiệp (DN) nơi họ làm việc. Các tác động này bao gồm việc bị giảm lương từ dưới 10% đến hơn 50%, chậm lương và cắt giảm nhân viên. Điều đáng mừng là có trên 61% người cho biết lương của họ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đáng chú ý, có gần 58% số người tham gia khảo sát cho biết họ đã không đề xuất tăng lương do tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất - kinh doanh của DN. Trong khi đó, có 11,59% số người đề xuất tăng lương nhưng không thành công và gần 28% thành công. Các mức lương được tăng từ 3% đến 20%.
Khi được hỏi về kỳ vọng trong năm 2022, có gần 38% NLĐ lạc quan và rất lạc quan về triển vọng phát triển của DN - nơi họ làm việc. Anh Lê Văn Hưng, công nhân Công ty CP Sài Gòn Food (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho rằng đi làm ai cũng quan tâm đến mức thu nhập hằng tháng. Mức lương cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí công việc, năng suất, hiệu quả làm việc và cả thâm niên... nhưng NLĐ đều kỳ vọng mức lương cao.
"Ở công ty tôi mức thu nhập luôn cao hơn so với mức LTT vùng theo quy định. Hằng năm, công ty đều điều chỉnh thu nhập theo hướng tăng thêm, bên cạnh đó còn có nhiều phúc lợi khác ngoài lương để NLĐ yên tâm làm việc. Đó cũng là lý do ở Sài Gòn Food, NLĐ luôn gắn bó làm việc dài lâu" - anh Hưng nói.
Tăng lương để giữ chân người lao động
Trong khi nhiều ý kiến trái chiều về mức tăng LTT vùng 6%, kể cả việc nhiều hiệp hội nghề nghiệp đề xuất lùi thời gian áp dụng đang diễn ra sôi nổi trên khắp các diễn đàn, vẫn có nhiều DN đã chủ động tăng lương để giữ chân NLĐ.
Chị Hồ Bích Thủy - phụ trách bộ phận nhân sự một DN liên doanh có văn phòng tại quận Tân Bình, TP HCM - cho biết với quy mô hơn 300 nhân sự, công ty quyết định tăng thêm 15% lương tính từ mức tổng thu nhập cho toàn bộ NLĐ kể từ đầu năm 2022. Nguyên nhân tăng lương được ban giám đốc công bố là để bù đắp khi giá cả sinh hoạt tại TP HCM tăng và một phần những ảnh hưởng mà NLĐ đã trải qua do 2 năm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề.
"Công ty chúng tôi chỉ lấy mức LTT để làm tham chiếu cho cách tính mức thu nhập của NLĐ chứ không lấy mức đó để tính lương. Khi tuyển dụng, mức lương chúng tôi đưa ra trên mức sống của NLĐ trong thời điểm tuyển dụng. Đây cũng là chính sách chung toàn cầu của công ty. Khi có các biến động về giá cả, chúng tôi điều chỉnh thu nhập tăng thêm để NLĐ yên tâm làm việc" - chị Thủy nói.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc kinh doanh khu vực miền Nam Công ty VietnamWorks (thuộc Navigos Group) cho rằng báo cáo lương 2022 nhằm giúp DN xây dựng các chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào hoạt động phục hồi kinh doanh và tăng trưởng trong thời gian tới. Đồng thời hỗ trợ NLĐ và người tìm việc nắm bắt xu hướng tuyển dụng để có sự chuẩn bị tốt nhất trên con đường sự nghiệp của mình.
"Nắm rõ mức lương theo thời gian thực trên thị trường, DN có thể đưa ra các chiến lược tuyển dụng hiệu quả. Báo cáo lương giúp các DN điều chỉnh mức lương và cung cấp gói lợi ích hấp dẫn đối với cả NLĐ và các ứng viên tiềm năng để thu hút và giữ chân NLĐ. Đối với những DN không có cơ cấu tiền lương thì báo cáo này có thể giúp họ xây dựng bảng lương một cách dễ dàng và có hệ thống hơn" - bà Vân Anh nhấn mạnh.
Theo bà Vân Anh, tiền lương xếp vị trí số 1 trong các yếu tố quyết định lựa chọn công việc mới của NLĐ, cho thấy mức độ quan trọng của tiền lương, thu nhập đối với đời sống NLĐ. Vì vậy, dù có áp dụng theo khung LTT hay xây dựng thang bảng lương thì DN hãy căn cứ vào mức sống của NLĐ để sao cho NLĐ yên tâm làm việc, cống hiến. Nhân sự có ổn định thì DN mới phát triển bền vững.
Các yếu tố hàng đầu
Đa số người được khảo sát lựa chọn "Môi trường làm việc - đồng nghiệp và công việc ổn định" là 3 yếu tố hàng đầu giữ chân họ làm việc ở công ty hiện tại. Địa điểm làm việc và tiền lương xếp vị trí lần lượt thứ 4 và thứ 5 trong danh sách lựa chọn của NLĐ. Ngoài ra, còn có những yếu tố khác như: Thương hiệu công ty - Cơ hội học tập và phát triển ở công ty hiện tại cũng là những lý do mà NLĐ gắn bó với nơi họ đang làm.
Bình luận (0)