VLA dự báo đến năm 2030, Việt Nam cần hơn 200.000 nhân sự phục vụ cho ngành, chưa kể nhu cầu nhân lực logistics tại DN sản xuất và thương mại. Trong khi đó, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm 5% - 7% đang làm việc trong ngành.
Thực tế cho thấy quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của DN hiện nay. Có hơn 85% DN logistics Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, một số DN quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm mục tiêu phát triển.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, cho rằng ngành logistics hiện phát triển nhanh với nhiều điều kiện thuận lợi. Khó khăn lớn nhất là nguồn nhân lực đang thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp. Cùng với đó, hạn chế về kỷ luật lao động, cường độ lao động thấp cũng là những điểm yếu đối với nhân lực ngành.
Ở góc độ DN, bà Phạm Lan Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafco (tỉnh Bình Dương), đánh giá chất lượng đầu ra của sinh viên ngành logistics đang có khoảng cách khá lớn so với yêu cầu của DN về chuyên môn, kỹ năng mềm, khả năng thích ứng với công việc. "Nguyên nhân một phần là do chương trình đào tạo của nhà trường thiên về lý thuyết, ít cọ xát thực tế, chậm ứng dụng công nghệ. Hơn nữa, ngành logistics đang đẩy mạnh số hóa, ứng dụng nhiều công nghệ số vào vận hành nên sinh viên chưa theo kịp" - bà Hương nói.
Sinh viên ngành logistics đi thực tế tại cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Ông Trần Chí Dũng, đại diện Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN, cho biết nhân lực ngành logistics đang thiếu cả thầy lẫn thợ. Theo ông, những người làm quản trị logistics ở Việt Nam không nhiều và chủ yếu làm theo kinh nghiệm, chưa được hệ thống hóa kiến thức, chưa được cập nhật kiến thức quản trị mới.
Trong khi đó, ở phân khúc nghiệp vụ trực tiếp, nhiều lĩnh vực như quản lý kho, vận tải chỉ cần trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nhưng thực tế phần lớn rất ít được đào tạo chuyên môn bài bản. "Việc giải bài toán nhân lực logistics, ngoài xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp để chuẩn hóa đào tạo, nâng cao trình độ giảng viên - lực lượng nòng cốt đào tạo nhân lực logistics, nhà trường và DN cần tạo môi trường thực tập thực tế cho sinh viên" - ông Dũng nhấn mạnh.
Mới đây, chính phủ Úc đã tài trợ dự án "Thúc đẩy sự tham gia của DN logistics vào giáo dục nghề nghiệp" trong khuôn khổ chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực. Dự án này sẽ đào tạo sinh viên ngành từ các kỹ năng như cách xếp hàng vào kho và container đến việc lên kế hoạch, kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa, khai thác nguồn hàng, cách thức làm việc của các hãng tàu biển…
Hiện có 16 cơ sở đào tạo ngành logistics nằm trong chương trình tài trợ của Úc. Dự án đã thành lập Hội đồng Kỹ năng nghề để đánh giá và lựa chọn những sinh viên phù hợp khi tuyển sinh đầu vào và tốt nghiệp. Đa số thành viên hội đồng là DN trong lĩnh vực logistics sẽ hỗ trợ sinh viên đến thực tập trong quá trình đào tạo và tạo công ăn việc làm khi ra trường.
Bình luận (0)