“Bài học cuối năm. Em đọc bài viết: Lễ thả thuyền ra Hoàng Sa và Trường Sa”
Lâu nay, có nhiều ý kiến cho rằng sách giáo khoa của ta lảng tránh về Hoàng Sa và Trường Sa, thì đây, sách Tiếng Việt ngay từ lớp 1 đã viết về Trường Sa và Hoàng Sa với cách diễn đạt thật dễ hiểu và nên thơ. Dưới đây là nguyên văn “Bài học cuối năm. Em đọc bài viết: Lễ thả thuyền ra Hoàng Sa và Trường Sa” in trong sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm:
Đêm xuống. Nhân dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quãng Ngãi tụ tập bên bến cảng. Hàng trăm năm nay, vào các ngày 18, 19, 20 tháng 4 Âm Lịch hằng năm, ở đây có tục thả thuyền ra Hoàng Sa và Trường Sa như thế.
Chuyện thế này: Ngày xưa, người Lý Sơn được tuyển mộ vào đội Hoàng Sa. Vào đội này để làm binh, làm phu khai thác và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này gọi là “thế lính”. Trong hải đội Hoàng Sa, có biết bao người đã ra đi mà không trở về.
Lễ hội tổ chức công phu. Nhân dân thắp hương ở Âm Linh Tự. Bà con cũng đắp và dọn các ngôi mộ gió, trong mộ chẳng có xương cốt gì, chỉ để nhớ mãi các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa xưa. Đặc biệt hơn cả là cảnh thả thuyền giấy ra biển. Mỗi chiếc thuyền chở một ngọn nến lung linh trong đêm.
Sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Buồm Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2011
Cuối bài còn có phần gợi ý của sách “Em đọc bài viết và nghĩ mình đang xông pha bên cạnh các chiến sĩ Hoàng Sa và Trường Sa. Em viết thư gởi các chiến sĩ đó”.
Tôi ngước nhìn thằng cháu nội của tôi đang chơi đùa ngoài sân. Những giọt nắng xuân ấm áp đang nhảy múa cùng cháu. Ôi thiêng liêng biết bao khi trong tâm khảm của cháu, có Hoàng Sa và Trường Sa. Khi cháu lớn lên, trong máu thịt sẽ luôn nhức nhối một phần lãnh thổ của cha ông bị kẻ thù xâm lược và chiếm giữ là Hoàng Sa. Cháu sẽ nhớ những người đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cháu sẽ biết phải làm gì để xứng đáng là con cháu của Vua Hùng. Nhân cách của con trẻ sẽ hình thành theo những bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc như thế.
Bình luận (0)