Theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đang có hơn 24.000 tiến sĩ (TS). Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết có khoảng 15.000 TS đang giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, việc đào tạo TS ở nước ta đang diễn ra thế nào?
Quá dễ dãi, sơ hở
An Nhiên, một nghiên cứu sinh (NCS) tại ĐH Southern Cross (Úc), cho hay việc tuyển chọn NCS ở hầu hết các nước trên thế giới đều rất khắt khe. Tại Mỹ, NCS thường học trong 4-8 năm, các nước Tây Âu học 3-6 năm. Ở Mỹ, NCS phải theo học một số tín chỉ bắt buộc trên lớp (coursework). Kết thúc giai đoạn, NCS phải thi chất lượng (qualification examination) để kiểm tra toàn bộ kiến thức chuyên ngành. Chỉ khi vượt qua bài thi này, họ mới được chuyển qua giai đoạn nghiên cứu và làm luận án. Để bảo đảm cho NCS yên tâm tập trung làm việc, phần lớn các trường đều có chính sách học bổng hoặc lương dành cho NCS. Thậm chí, nhiều trường hợp, nếu không có bảo đảm về học bổng hoặc lương, NCS sẽ không được chấp nhận vào học. Việc này nhằm bảo đảm NCS có thể toàn tâm toàn ý cho luận án. Trước khi bảo vệ luận án, nhiều trường ĐH trên thế giới yêu cầu NCS phải có một số công bố khoa học trên tạp chí khoa học uy tín, bài công bố được xét duyệt kỹ. Đó là một biện pháp bảo đảm tính khoa học cho đề tài nghiên cứu của NCS.
Thế nhưng ở Việt Nam, các cơ sở đào tạo không thể đào tạo TS theo hình thức tập trung, do đó NCS không có môi trường học thuật, cùng làm việc với thầy và các nhà khoa học khác. Phần lớn NCS đều đang đi làm và không ai muốn học tập trung vì đi khỏi cơ quan là mất chỗ, mất biên chế dù quy định của bộ yêu cầu NCS phải được đào tạo toàn thời gian ở trường một năm. “Nhiều trường cũng sẽ lấy lý do không đủ cơ sở vật chất nên các NCS có thể học buổi tối dẫn đến chất lượng luận án chẳng khác gì chất lượng của sinh viên tại chức” - giáo sư (GS) một trường ĐH nhận định. Vị này cũng cho rằng quy chế của Bộ GD-ĐT về lý thuyết là chặt chẽ nhưng trên thực tế, đào tạo TS vô cùng dễ dàng. “Về nguyên tắc, khi bảo vệ luận án, NCS phải nộp luận án về trường, còn ai chấm, ai phản biện chỉ trường biết. Thế nhưng, thực tế thì danh tính thành viên hội đồng, NCS đều rõ như lòng bàn tay” - GS này chia sẻ.
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng NCS phải có thời gian tập trung 3 năm làm việc tại cơ sở đào tạo, tham gia mọi hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo của cơ sở đó dưới sự kèm cặp của người hướng dẫn và các nhà khoa học khác thì NCS mới có thể trưởng thành. Còn đào tạo TS như hiện nay là không ổn!
Tiền tấn để bảo vệ luận án!?
GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho hay học phí của NCS tại học viện rất thấp, khoảng 15 triệu đồng/năm. Nếu tính theo mức học phí quy định thì tổng chi phí cho một NCS chỉ khoảng 50 triệu đồng nhưng trên thực tế, để có được tấm bằng, số tiền NCS phải bỏ ra cao hơn khoảng 15-20 lần.
Một NCS giấu tên tính toán theo quy định, NCS sẽ phải có 3 chuyên đề, 2 hội thảo, 2 lần bảo vệ. Tổng chi phí các khâu này mức từ 600 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng, tùy ngành. “NCS khối kỹ thuật, khoa học xã hội thì tiền còn vừa phải, chứ khối kinh tế thì tiền… tấn” - một NCS cho hay. “Rất nhiều chi phí phát sinh phải giải quyết, ví dụ chi phí cho hội đồng chấm luận án. Một hội đồng từ 5-7 người, mà có 2 hội đồng. Đó là chưa kể đến luận án còn được duyệt bởi một hội đồng phản biện kín. Thầy ở xa tới thì chi phí đội lên không biết bao nhiêu mà tính” - NCS này chia sẻ.
Trong quá trình đào tạo, dù các trường đều có chuẩn đầu ra về tiếng Anh và kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, viết văn bản… nghe có vẻ rất khó khăn nhưng học viên chỉ cần đóng tiền “chống trượt” là sẽ đỗ, thậm chí với điểm rất cao.
Một TS giấu tên ví von đào tạo TS ở Việt Nam hiện nay không khác gì kinh doanh. Các NCS vì muốn có tấm bằng cho đẹp hồ sơ nên sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để “bồi dưỡng” giảng viên, miễn sao qua được các kỳ thi và việc học tập trở nên “nhẹ nhàng” trong những ngày cuối tuần hoặc buổi tối. Người hướng dẫn cũng trở nên dễ dãi với những khoản thu nhập kiếm thêm.
Bộ GD-ĐT quy định “trong vòng 5 năm, tính đến ngày giao nhiệm vụ hướng dẫn NCS, nếu người hướng dẫn khoa học có 2 NCS không hoàn thành luận án vì lý do chuyên môn sẽ không được giao hướng dẫn NCS”, đây cũng là một lý do để NCS cứ bảo vệ là thành công. Rõ ràng, “nồi cơm” của các trường đang chuyển từ đào tạo tại chức sang đào tạo sau ĐH, trong đó có TS. Một phó giáo sư công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thẳng thắn cho rằng nhiều trường hiện bằng mọi cách chiêu sinh NCS và các học viên đã vào trường rồi thì kiểu gì cũng bảo vệ thành công luận án TS.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho hay bộ chỉ quản lý chất lượng đào tạo thông qua việc quy định các điều kiện, tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện. Việc kiểm tra chất lượng đề tài thuộc thẩm quyền những người hướng dẫn, các hội đồng chấm, người phản biện độc lập, người thẩm định và cơ sở đào tạo. “Cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ TS có quyền tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo thì trước hết sẽ phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng đào tạo và giải trình với cơ quan quản lý và với xã hội về chất lượng đào tạo” - bà Phụng nói.
Lỗi tiếng Anh không thể chấp nhận
Luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã” mà Báo Người Lao Động từng đề cập, được các GS của Học viện Khoa học Xã hội đánh giá là một đề tài hay, bảo vệ rất thành công. Tuy nhiên, khi đọc phần dịch tiếng Anh của phần tóm tắt luận án, những người am hiểu tiếng Anh đều cho rằng không thể chấp nhận được.
NCS An Nhiên tại Úc nhận xét bản tóm tắt luận án thể hiện sự cẩu thả vì có quá nhiều lỗi, không thèm kiểm tra chính tả, câu từ. Rất nhiều lỗi sai như: summany, citizents, reseacher… Đọc những từ như of of, the the, and and, the citizens of president, không rõ tác giả muốn nói đến cái gì? Chưa kể các lỗi ngữ pháp khác.
Điều này cho thấy không chỉ NCS mà kể cả người hướng dẫn cũng không quan tâm đọc lại trước khi ký. Nó cũng cho thấy chuẩn tiếng Anh đầu vào và đầu ra của NCS không đạt theo yêu cầu quy định.
Bình luận (0)