xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gặp lại thần đồng: Thiên tài bất đắc dĩ

HỒNG ÁNH - BẠCH LONG

Bị hàng xóm kéo đến xem, thử tài, người độc mồm độc miệng thì bảo ma ám, nhiều em nhỏ có khả năng đặc biệt (thần đồng) chỉ ao ước được làm người bình thường

Những ngày đầu hè, Ksor H’Quyn (tên thường gọi là H’Din; ngụ buôn Ken, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) ngày ngày lùa đàn bỏ hơn 30 con lên rẫy. Nước da đen nhẻm vì nắng cháy, H’Din tỏ ra ít nói, thường cau có mỗi khi nhắc lại chuyện ngày trước bỗng dưng biết đọc của mình.

Biết đọc trước khi biết nói

H’Din là con gái đầu của vợ chồng Ksor Y Vang và Ksor H’Ách. Lên 3 tuổi, cô bé cũng chỉ “a”, “á”, không thể nói nổi một tiếng “mí”, “ma” như kỳ vọng của vợ chồng Y Vang. Sợ con bị câm điếc bẩm sinh, nhiều lần Y Vang gọi giật thì thấy con quay đầu, biểu hiện như bình thường.

Đến đầu năm 2007, H’Ách bế con sang tiệm tạp hóa của hàng xóm để mua ít đồ. Hôm ấy, H’Din bỗng nói “Chúc mừng năm mới” rồi chỉ tay lên tờ lịch và lặp lại. Sau đó, cô bé đọc hết những gì đã viết trên tờ lịch rồi đọc sang các mẫu quảng cáo sản phẩm được dán ở quán mà chẳng cần đánh vần.

“Nhiều người trong buôn đến mua hàng thấy vậy mới lấy các chai nước khoáng, các gói mì tôm cho H’Din đọc thử. Cứ vậy, nó đọc hết cái này đến cái khác, mọi người bảo chẳng sai chỗ nào” - H’Ách kể.

Không chỉ chữ viết, các con số H’Din cũng đọc làu làu. Kể từ đó, H’Din biết nói. Để ăn mừng, Y Vang bán con bò sắm dàn karaoke về nhà hát cho vui. Ai ngờ, H’Din cứ giành cầm micro hát say sưa không sai chữ nào trên màn hình.Y Vang mới học hết tiểu học, H’Ách thì mù chữ nên chuyện H’Din bỗng dưng biết đọc lan truyền khắp nơi.

H’Din chăn dắt đàn bò hơn 30 con sau giờ học Ảnh: HỒNG ÁNH
H’Din chăn dắt đàn bò hơn 30 con sau giờ học Ảnh: HỒNG ÁNH

Đó đã là chuyện của 4 năm trước. Bây giờ, thuyết phục mãi, Y Vang mới cho chúng tôi gặp con gái. Ông không muốn ai làm phiền thêm con bé.

Đang chơi đùa với mấy con nghé, gặp người lạ, H’Din bỗng nhiên tỏ ra bực bội. H’Din bảo hồi ấy, hằng ngày rất đông người đến nhà để xem mặt mũi em thế nào.

“Nhiều người bắt em đọc hết cái này đến cái kia cho họ nghe. Rồi họ cứ nhìn em từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu như em là người rất lạ. Em rất khó chịu về chuyện đó” - H’Din tâm sự.

Ông Y Vang cho biết nhiều người còn độc mồm độc miệng bảo con bé bị ma ám rồi truyền tai nhau như thế làm nó rất sợ. Về sau, H’Din cứ trốn trong nhà, không muốn gặp bất cứ người lạ nào.

Cái danh thần đồng bám riết lấy H’Din đằng đẵng 4 năm qua. “Khi đi học, những lúc em không thuộc bài hoặc làm bài tập sai, bạn bè lại trêu chọc: “Thần đồng mà không thuộc bài. Thần đồng mà làm bài sai” khiến em rất buồn. Em chỉ muốn như một người bình thường thôi mà cũng không được. Các bạn cứ chọc hoài” - H’Din bộc bạch.

H’Din vừa hoàn thành chương trình lớp 5 với thành tích học sinh tiên tiến. Cô Trần Thị Thu Thanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 5 Trường Tiểu học Ea Bá - nhận xét sức học của H’Din không có gì nổi trội, thậm chí tiếp thu bài còn thua một số bạn. Theo cô Thanh, chuyện bỗng dưng biết đọc trước khi biết nói dường như tạo sự mặc cảm cho em. Vì thế, trong lớp, em không có nhiều bạn.

Thần đồng... lười đi học

Cũng nổi tiếng sớm như H’Din, em Đặng Hữu Nam (SN 2008, dân tộc Chăm, trú thôn Bình Minh, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) trở thành hiện tượng lạ trong năm 2012 khi bỗng dưng đọc được 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Trung Quốc.

Lên 3 tuổi, Nam vẫn chưa biết nói, mãi đến gần 3 tuổi rưỡi mới bập bẹ được đôi ba câu. Trong một lần được mẹ dẫn đi mua hàng ở quán tạp hóa, Nam nhặt một mảnh giấy rồi đọc vanh vách những chữ ghi trên đó. Mọi người rất ngạc nhiên, liền lấy thêm nhiều sách, báo cho Nam đọc. Từ những câu chữ đơn giản trong sách lớp 2, lớp 3 đến từ khó trong sách lớp 9, Nam đều đọc to, rõ ràng từ đầu đến cuối mà không hề đánh vần.

Đặc biệt hơn, khi được cô giáo mầm non (MN) dẫn đến Trường Tiểu học Phan Hòa 2 (xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình) để học ké, Nam đã đọc trơn tru những tờ giấy hướng dẫn sử dụng từ hộp thuốc cho đến các trang mạng tiếng Anh, tiếng Trung mà thầy cô cho xem.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, chị Lâm Thị Kiệm, dì của Nam, than thở: “Nó đang học mẫu giáo nhưng đi học bữa được bữa mất. Nó không chịu học...”.

Từ khi phát hiện Nam có khả năng đọc nhiều thứ tiếng, cô Trần Thị Vy, giáo viên Trường MN Phan Hòa, thường ghé qua nhà chở em đến trường. Thời điểm đó, trường MN thiếu phòng nên mượn một phòng của Trường Tiểu học Phan Hòa 2 để dạy. Nam thường được các thầy cô giáo lấy sách vở, mở máy tính cho đọc.

Vô lớp ngồi cùng với các anh chị tiểu học nhưng Nam chỉ ngồi chơi mà chẳng chịu học. Học ké gần nửa năm, đọc hết các chữ trên bảng, khẩu hiệu trong lớp, khi không còn gì chơi thì Nam quay về trường MN.

Ở trường MN, Nam cúp học triền miên, nhiều lúc học được nửa buổi thì Nam bỏ về. “Biết chữ hết rồi nên không muốn đi học nữa” - Nam cau có nói.

Cô Trần Thị Vy cho biết về khả năng đọc, Nam vượt trội hơn các bạn trong lớp, còn viết chữ, vẽ tranh, làm các phép toán đơn giản thì Nam chịu. “Cùng tuổi như Nam, nhiều em trong trường MN đã biết đọc, biết viết rồi. Qua hè này là vô lớp 1, Nam lại lười đi học như thế thì không khéo phải bỏ giữa chừng” - cô Vy thở dài.

Cần chương trình giáo dục phù hợp

Ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Phú Yên, cho rằng ngành giáo dục cần có chương trình giảng dạy phù hợp để các em phát huy khả năng bẩm sinh.

“Thường những trường hợp này, do các em chưa đến trường nên phòng GD-ĐT các địa phương không nắm được. Nếu phụ huynh có con em như thế nên báo cho Sở GD-ĐT để chúng tôi kiểm chứng và đưa ra chương trình giáo dục phù hợp cho các em” - ông Thư nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo