Luật Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã được Quốc hội ban hành và chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2014 có những điểm thuận lợi với đặc thù của nghiên cứu KH-CN. Trong đó, một vấn đề được nhiều nhà khoa học chú ý là tháo gỡ rào cản trong cơ chế tài chính tồn tại bấy lâu nay.
Cởi trói bằng khoán chi
Vướng mắc về cơ chế tài chính và đầu tư cho KH-CN là rào cản lớn nhất trong hoạt động nghiên cứu KH-CN trong thời gian qua. Để tháo gỡ những rào cản đó, luật mới đã đưa ra những quy định theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho KH-CN.
Một nội dung quan trọng trong đổi mới cơ chế tài chính đó là quy định khoán chi với nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cụ thể, khoán chi được áp dụng trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đồng thời, luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh phải thành lập quỹ phát triển KH-CN phục vụ yêu cầu phát triển.
Các nhà khoa học đánh giá cao cơ chế được quy định trong luật bởi có những điểm rất thuận lợi, phù hợp với đặc thù của KH-CN như cấp kinh phí kịp thời với việc phê duyệt nhiệm vụ; không phải quyết toán theo năm tài chính; cuối năm kinh phí chưa sử dụng hết tự động chuyển nguồn năm sau.
Có thể hiểu đơn giản là với luật mới này, một đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được hội đồng thẩm định đánh giá, trình lên cơ quan quản lý, nếu được phê duyệt, kinh phí thực hiện sẽ khoán ngay cho các nhà khoa học chứ các nhà khoa học không phải vừa nghiên cứu vừa chờ duyệt chi từng phần, từng giai đoạn rất mất thời gian, như trước đây.
Khi sản phẩm hoàn thành sẽ có một hội đồng thẩm định đánh giá sản phẩm đáp ứng các tiêu chí như cam kết ban đầu hay không. Nếu sản phẩm đáp ứng được coi như nhà khoa học hoàn thành nhiệm vụ, như thế, không mất nhiều thời gian cho công việc thanh quyết toán.
Yên tâm nghiên cứu
PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP HCM, cho biết từ năm 2013, sở đã bắt đầu triển khai cơ chế mua sản phẩm khoa học từ công trình nghiên cứu thông qua các hợp đồng đặt hàng. Sau khi dự toán đề tài được phê duyệt, các nhà khoa học được giao hẳn kinh phí để chủ động chi tiêu, miễn sao bàn giao đúng và đủ các sản phẩm theo hợp đồng. Việc tháo gỡ được khâu thủ tục tài chính sẽ giúp các nhà khoa học yên tâm dành thời gian nhiều hơn cho công việc chuyên môn.
Ngoài ra, theo luật mới, việc gắn kết được giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp sẽ giúp hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng hay thương mại hóa và chuyển giao công nghệ… được thực hiện chặt chẽ, nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả hơn. PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, rất cần giao quyền tự chủ về tài chính cho các tổ chức, trường, viện, nhà khoa học. Khi được tự chủ tài chính sẽ giúp đẩy mạnh việc đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất KH-CN. Các nhà khoa học cũng sẽ thoải mái, yên tâm hơn để tập trung nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm có giá trị.
Hiện Bộ KH-CN đang soạn thảo, lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động nghiên cứu KH-CN nhằm giúp cho luật sớm đi vào cuốc sống.
Không tiếc tiền cho nghiên cứu khoa học
Tại cuộc gặp gỡ với các nhà khoa học Việt kiều vào cuối năm 2013 ở TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà cho biết TP sẽ không tiếc tiền cho nghiên cứu khoa học trong thời gian tới. Từ năm 2013, TP HCM đã bắt đầu triển khai đặt hàng nghiên cứu khoa học theo cơ chế khoán trọn gói, cho phép các nhà khoa học chủ động trong đề xuất sản phẩm, trong nghiên cứu. TP HCM chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, hỗ trợ kinh phí trọn gói, chỉ nhận sản phẩm cuối cùng và không gây áp lực với các nhà khoa học. Điều này sẽ giúp các nhà khoa học quẳng đi nỗi lo cơm áo, kinh phí hằng ngày để tập trung vào nghiên cứu và từ đây xây dựng một môi trường thuận lợi nhất cho các hoạt động nghiên cứu khoa học tại TP HCM.
Bình luận (0)