Theo số liệu thống kê điểm thi môn tiếng Anh từ các cụm thi, trong tổng số trên 61.000 thí sinh của TP HCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, chỉ có 2 thí sinh đạt điểm gần tuyệt đối là 9,88 điểm, hoàn toàn không có điểm 10. Ở phổ điểm trên 8, chỉ có 1.531 bài thi đạt được, còn lại 60% có điểm môn tiếng Anh dưới trung bình. Theo các chuyên gia, đây là số liệu gây nhiều thất vọng.
60% dưới mức trung bình
Theo phổ điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố cho 8 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, tại 70 cụm thi do 70 trường ĐH chủ trì, tiếng Anh là môn có điểm trung bình thấp nhất với 3,48 điểm. Số bài thi dưới điểm trung bình vào khoảng 90%, trong khi số bài đạt điểm 9-10 chỉ chiếm 0,51%.
Ngay cả tại TP HCM, tuy có khả quan hơn các địa phương khác nhưng vẫn có khoảng 60% thí sinh có điểm thi tiếng Anh dưới trung bình. Nhiều chuyên gia và các nhà giáo ngạc nhiên vì phổ điểm môn thi tiếng Anh của học sinh TP HCM quá thấp. Cụ thể, thống kê từ cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho thấy điểm thi môn tiếng Anh chủ yếu đạt 2,5 - 4,5 điểm. Trong tổng số 17.391 thí sinh dự thi có tới 10.606 bài thi có điểm dưới trung bình.
Tương tự, tại cụm thi Trường ĐH Bách khoa TP HCM, riêng môn tiếng Anh toàn cụm thi này chỉ có 19,62% thí sinh đạt điểm trung bình và có tới 70% thí sinh đạt mức 2,63 điểm. Tại cụm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, trong tổng số 16.409 thí sinh dự thi thì có tới 10.053 thí sinh có điểm dưới trung bình. Tại cụm thi Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP HCM, trong tổng số 13.088 bài thi, có tới 7.432 bài thi bị điểm liệt.
Tổ trưởng tiếng Anh một trường THPT tại TP HCM cho biết chỉ một số trường THPT ở tốp đầu mới có phổ điểm đạt từ 6-8 điểm, chiếm khoảng 40%. Trong số 60% điểm dưới trung bình thì mức 2-3 điểm là phổ biến. “Nhìn lại đề thi môn tiếng Anh vừa qua, rõ ràng đề thi không quá khó, thậm chí tin tưởng học sinh TP HCM sẽ dễ dàng lấy điểm cao môn này nhưng kết quả lại ngược lại” - giáo viên này cho biết.
Nguyên nhân do đâu?
Một chuyên gia về tiếng Anh tính toán so với các địa phương khác, TP HCM có thể xem là nơi có thế mạnh bậc nhất về tiếng Anh thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ đội ngũ, phụ huynh chú trọng. Kể cả năng lực tiếng Anh của học sinh TP HCM cũng hơn. Vậy tại sao kết quả thi lại quá thấp? Phải chăng đang có chuyện học chỉ để đối phó tại các trường phổ thông?
Thực tế này đã chứng minh khi trong một cuộc hội thảo về tiếng Anh, khảo sát của nhóm giảng viên Trường ĐH Sư phạm
TP HCM trên 143 học sinh THPT và 10 GV, cán bộ quản lý tại Trường Trung học Thực hành sư phạm cho thấy có đến 70% học sinh cho rằng GV sử dụng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, 15,3% học sinh cho rằng GV sử dụng quá nhiều tiếng Việt khi dạy tiếng Anh. Có đến 98,6% học sinh cho rằng không thể đạt được 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết theo chuẩn đầu ra. Thậm chí, 55,2% học sinh không biết gì về chuẩn đánh giá đầu ra do bộ quy định.
Theo ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt - Úc, có một thực tế là nhiều người Việt hiện nay học tiếng Anh còn mang tính đối phó. Xem bằng cấp tiếng Anh như một tiêu chuẩn, điều kiện để bổ túc hồ sơ thi tuyển, xin việc, bổ nhiệm... Nguyên nhân chính vẫn là do chương trình, thi cử hiện nay khiến việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường giảm hiệu quả. Người thực sự cần tiếng Anh để làm việc không thể dựa vào chương trình đào tạo chính khóa trong nhà trường mà phải bỏ thêm tiền bạc, thời gian để vào các trung tâm ngoại ngữ của nước ngoài học nâng cao. “Cần phải phân tích nguyên nhân do đâu để từ đó có chính sách và biện pháp nâng cao hiệu quả đào tạo” - ông Thảo đề nghị.
Cần nhìn lại đề án nâng cao năng lực tiếng Anh
Tháng 1-2012, Chủ tịch UBND TP HCM ban hành Quyết định số 448/QĐ-UBND về phê duyệt đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP HCM giai đoạn 2011-2020” với các nhiệm vụ: Đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh, triển khai chương trình dạy và học tiếng Anh mới ở các cấp học, trình độ đào tạo để đến năm 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và các trường chuyên nghiệp của TP HCM; phấn đấu tất cả học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 đều được học tiếng Anh trong nhà trường với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng thực tế trong xã hội theo từng cấp độ tương ứng với lớp học và chuẩn quốc tế.
Sau 4 năm triển khai đề án, nhiều phòng học được đầu tư trang thiết bị, các chương trình tiếng Anh theo chuẩn quốc tế được đưa vào sử dụng, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng… nhưng với kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2016, đề án này chưa thực sự hiệu quả hay do có sự chênh lệch giữa chương trình đào tạo THPT hiện hành với “chuẩn quốc tế” mà đề án này hướng tới?
Bình luận (0)