Trong vai phụ huynh muốn tìm chỗ gửi con, chúng tôi tìm đến Trường Mầm non (MN) Họa Mi (quận Tân Bình). Các giáo viên tại đây cho biết trường tổ chức nhiều lớp năng khiếu nhưng đa số phụ huynh chọn đăng ký học tiếng Anh.
Học 2 năm vẫn không biết bơi
Chị Mai, phụ huynh học sinh Trường Mầm MN Vàng Anh (quận 5), cho biết trường tổ chức nhiều lớp học năng khiếu cho trẻ, phụ huynh tự nguyện đăng ký và chọn môn học phù hợp. Thấy con nói thích học bơi, chị liền đăng ký nhưng gần hết học kỳ vẫn không thấy con biết bơi, lại sợ con không an toàn nên đành cho bé ngừng học. Trong khi đó, chị Thanh Trang, phụ huynh học sinh Trường MN Hoa Mai (quận 3), cho biết chị cho con học môn thể dục nhịp điệu, học phí 70.000 đồng/tháng và bé tỏ ra hào hứng nhưng thời lượng học quá ít nên không thể phát triển năng khiếu cho cháu.
Anh Hải, phụ huynh học sinh Trường MN 11 (quận Tân Bình), cho biết các môn năng khiếu trong trường gồm thể dục nhịp điệu, bơi lội, vẽ, tiếng Anh, anh đều cho con tham gia nhưng riêng môn bơi lội, học 2 năm mà bé vẫn chưa biết gì: “Không những 2 năm học vẫn không biết bơi mà môn tiếng Anh cháu cũng không biết gì. Hỏi cháu con gà trong tiếng Anh gọi là gì, cháu trả lời là ò ó o”. Mỗi tháng, gia đình anh Hải tốn thêm khoảng 300.000 đồng cho con học năng khiếu vì sợ trong khi các bạn học mà con mình ngồi nhìn thì thiệt thòi và tội. “Mỗi môn năng khiếu chỉ học 30 phút/ngày, 1 tuần học 2 lần thì lấy đâu ra hiệu quả” - anh Hải nói.
Giáo viên cần có chuyên môn, nghiệp vụ
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Xanh, (quận Tân Bình), cho hay trường tổ chức các lớp năng khiếu từ 15 giờ 45 phút đến 16 giờ 15 phút và do phụ huynh tự nguyện hoàn toàn, giáo viên dạy năng khiếu cũng phải đạt các yêu cầu về chuyên môn và có nghiệp vụ sư phạm. Nếu trẻ nào không học vẫn có giáo viên trông giữ bình thường. “Ở bậc học MN, các lớp năng khiếu nên được xem là môi trường vui chơi, tăng thêm các hoạt động ngoài trời giúp trẻ tự tin, hứng thú và rèn luyện thể chất. Phụ huynh cũng không nên đặt nặng chuyện bé phải có thành tích hay tiến bộ rõ ràng mới là hiệu quả vì như vậy sẽ tạo áp lực cho các cháu” - bà Dung cho biết.
Bà Chung Bích Phượng, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, nói: “Các môn năng khiếu không nằm trong danh mục đánh giá, nhận xét trẻ nên các trường tổ chức tùy theo tình hình thực tế. Nhưng ở góc độ quản lý, phòng yêu cầu trường MN nào tổ chức dạy năng khiếu phải có báo cáo đầy đủ về kế hoạch giảng dạy, giáo trình và giáo viên và phải trên nguyên tắc phụ huynh hoàn toàn tự nguyện”.
Học năng khiếu để... bớt xem tivi Bà Lê Thị Điệp, nguyên Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 4, phụ trách bậc học MN cho hay trong điều kiện thiếu đồ chơi cho trẻ, các hoạt động vui chơi còn nghèo nàn nên nhiều trường sáng tạo bằng cách cho trẻ xem tivi. Dùng tivi để thay thế các hoạt động giảng dạy là phản khoa học. Trẻ đến trường chỉ biết ngồi xem tivi sẽ tạo ra tâm lý ù lì, thụ động, về lâu dài sẽ dễ bị các tật về mắt. Hiệu trưởng một trường MN thừa nhận cũng chính vì nguyên nhân này mà nhiều phụ huynh dù không mặn mà cho con học năng khiếu vẫn bất đắc dĩ tham gia vì sợ trẻ phải ở lại lớp xem tivi. Chị Bích Thảo, phụ huynh có con theo học tại một trường MN tại quận 7, cho biết con trai mới 3 tuổi nhưng chị phải đăng ký cho con đi học... võ. “Không rõ trẻ mới 3 tuổi mà học võ thì học những gì, việc luyện tập ra sao nhưng hầu hết phụ huynh trong lớp đều đăng ký nên phải cho cháu học. Nếu không cho con học thì cháu phải ở lại lớp xem tivi lại càng nguy hiểm hơn nữa” - chị Thảo kể. |
Bình luận (0)