Chưa bao giờ khái niệm lợi nhuận và phi lợi nhuận lại được nhắc đến nhiều như thời gian qua, khi hàng loạt trường ĐH ở Việt Nam đi theo đường “phi lợi nhuận” gặp nhiều thách thức. Cũng thời điểm này, một số trường ĐH tiếp tục công bố hướng đi “phi lợi nhuận” và cho rằng đó mới là con đường phát triển trường tư.
Để rộng đường dư luận, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo bàn tròn với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, các trường ĐH - CĐ...
Khách mời chương trình gồm:
- GS Phạm Phụ - nguyên giảng viên Trường ĐH Bách Khoa – ĐHQG TP HCM
- GS-TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ
- PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật – ĐHQG TP HCM
- TS Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á
- TS Dương Tấn Diệp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính
- TS Trần Vinh Dự - Tổng Giám đốc TNK Capital, Chủ HĐQT Trường CĐ Việt Mỹ
- TS Nguyễn Ngọc Hải – giảng viên Khoa Luật – Kinh tế Trường ĐH Cần Thơ
- Ths Trần Khanh – Trưởng VP đại diện phía Nam của Trường ĐH Duy Tân
- Ths Đỗ Thế - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phan Châu Trinh
- Ông Nguyên Ngọc – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Đỗ Danh Phương - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - thay mặt ban biên tập báo cảm ơn tất cả các thầy cô tham dự tọa đàm và hy vọng buổi tọa đàm sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản. Ông hy vọng tiếng nói và góc nhìn của những người làm giáo dục lâu năm sẽ có tác động đến công chúng, những người thụ hưởng giáo dục, góp phần giúp những người liên quan có tư liệu để đi đến những chính sách, hoạch định đúng đắn.
Ông Phương cho biết thêm: Ngày nay, nhiều thành phần kinh tế can dự vào giáo dục khiến bức tranh này có quá nhiều điều phải suy ngẫm. Trên thế giới hiện có nhiều luật, nhiều hướng đi về giáo dục lợi nhuận, phi lợi nhuận để chúng ta tham khảo. Vấn đề đặt ra cho buổi tọa đàm là những mô hình đó sẽ được áp dụng như thế nào ở Việt Nam để đạt được hiệu quả cao nhất.
Bàn về nguyên nhân xung đột trong các trường ĐH tư ở Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật – ĐHQG TP HCM, cho biết trong những năm qua, ở Việt Nam có nhiều trường tư hoạt động hiệu quả, thu hút sinh viên và được xã hội quan tâm. Khi các trường tư tạo ra giá trị vật chất cao thì xung đột lợi ích ở đó càng nhiều. Khi đó, nhiều người tìm cách khống chế, chiếm đoạt giá trị với nhiều ý định, mục tiêu khác nhau. PGS-TS Điện cho biết hiện tượng xung đột lợi ích nhóm này cũng diễn ra các nước tiên tiến dù mô hình ĐH tư ở các nước lớn rất phát triển.
Theo PGS-TS Điện, nguyên nhân xung đột lợi ích ở các trường tư Việt Nam là sự thiếu sót ở luật giáo dục ĐH, khung pháp lý chưa hoàn thiện. Lỗi cơ bản này khiến các trường đi theo mô hình ĐH lợi nhuận nhiều hơn phi lợi nhuận. Giải pháp hiện tại là Việt Nam nên xây dựng mô hình pháp lý để một mặt, các nhà đầu tư vẫn thỏa mãn khi bỏ tiền vào mô hình phi lợi nhuận, một mặt giúp dịch vụ giáo dục được thực hiện trong điều kiện không bị chi phối bởi yếu tố tài chính. Cụ thể, ở các nước, nhà đầu tư không bỏ tiền trực tiếp vào trường mà đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Với cách này, quỹ giáo dục vừa đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động của trường, vừa đóng vai trò bức tường ngăn cách ban giám hiệu trường với các nhà đầu tư. Do đó, Việt Nam cần sửa luật, nếu không sẽ không có sự tồn tại của trường phi lợi nhuận.
TS Trần Vinh Dự - Tổng Giám đốc TNK Capital, Chủ HĐQT Trường CĐ Việt Mỹ - cho biết
"Quan niệm muốn bãi nhiệm phải tìm cho ra điều sai có thể thích hợp với lĩnh vực công nhưng không thật cần thiết ở lĩnh vực tư, làm người ta phải kiện cáo mới thay được, dễ tổn thương danh dự và gây bất hòa không đáng có" - TS Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á
ông làm việc ở công ty tài chính, không chỉ đầu tư lĩnh vực giáo dục mà ở nhiều lĩnh vực khác. Do đó, ông gặp những tình huống như ở ĐH Hoa Sen, ĐH Hùng Vương rất nhiều.
Ở các doanh nghiệp tư nhân, những người sáng lập được xem là cha đẻ của doanh nghiệp đó. Sau một thời gian, số lượng cổ đông càng nhiều, doanh nghiệp sẽ xảy ra tình trạng mâu thuẫn, đấu đá. Mâu thuẫn này xảy ra khi những người sáng lập doanh nghiệp và hội đồng cổ đông không còn tiếng nói chung. Ở nhiều trường hợp, cổ đông dùng quyền biểu quyết để bãi bỏ người sáng lập. Trong khi đó, nhiều người sáng lập đối phó bằng cách bán cổ phiếu ra ngoài với giá rất cao nhưng khi cổ đông vào thì xem như "con ghẻ". Nhà sáng lập thường cho rằng cổ đông không làm gì mà chỉ góp tiền vào rồi hưởng thụ thành quả, chính họ mới có quyền quyết định
"Tôi biết thực tế, ở nhiều trường phổ thông tư thục, họ sa thải hiệu trưởng rất nhanh, dù những người đến và đi không có đấu đá gì về quyền lực cả. Nhưng tại sao việc lùm xùm, tranh giành quyền lực ở bậc phổ thông không có mà chỉ có ở bậc ĐH, vấn đề là ở đâu?", ông Vinh Dự đặt câu hỏi với mong muốn các nhà giáo dục phân tích sâu hơn về vấn đề này.
TS Trần Vinh Dự - Tổng Giám đốc TNK Capital, Chủ HĐQT Trường CĐ Việt Mỹ
TS Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á - hoan nghênh việc Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo, hứa hẹn các chuyên gia sẽ làm rõ vấn đề nóng, góp phần định hướng xã hội. Bà Anh Đào cho biết hiện khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp ngân sách quốc gia ngày càng tăng, họ hoạt động với cơ chế bình thường. Ở khối các trường ngoài công lập, 2.393 trường góp phần vào chiến lược phát triển quốc gia. Theo TS Anh Đào, câu chuyện phi vụ lợi – vụ lợi đã tồn tại từ lâu. Về việc tại sao có chuyện lùm xùm kéo dài, TS giải thích rằng thứ nhất là do đặc thù của ngành giáo dục, là nơi người ta dễ nhân danh. Vị trí quản lý cấp cao trong giáo dục thường có học hàm, học vị, địa vị xã hội cao nên nhiều người ỷ lại, nhân danh, tạo cớ cho sự vô tổ chức. Thứ hai, do quy định nhân sự nhà nước về việc công nhận chức danh (Hội đồng quản trị, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng phải có thủ tục công nhận của nhà nước) và các quy định thừa.
Cùng quan điểm với TS Đào, TS Nguyễn Ngọc Hải, lợi nhuận và phi lợi nhuận không cái nào có hại nếu phân tích đúng được bản chất của hai khái niệm này. "Nếu chúng ta có luật, có những nhà đầu tư dù tìm kiếm lợi ích nhưng vẫn giữ đạo đức trong quy chuẩn cho phép, sau đó, nhà đầu tư có được lợi nhuận, tiếp tục sử dụng lợi nhuận đó để tái đầu tư, lấy lợi nhuận đầu tư bất vụ lợi lại thì rất đáng hoan nghênh. Trừ khi người ta lấy tiền đi làm chuyện khác như tư lợi cá nhân thì đáng phê phán. Vấn đề là chúng ta cần có một cơ chế đúng để giải quyết được tất cả vấn đề này. Trong giáo dục, phi lợi nhuận đúng nghĩa sẽ mang lại sức mạnh vô biên. Quan niệm của tôi là rạch ròi, giữ tinh thần lợi nhuận và phi lợi nhuận nhưng phải có cơ chế để không lùm xùm”, TS Hải nói.
Ông Nguyên Ngọc – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh - dựa vào nguồn lực tài chính chia các trường ĐH ngoài công lập thành 2 loại: Một là, các trường thuộc tập đoàn với nguồn vốn dồi dào, hai là những trường tư ra đời hơn 20 năm nay, đã tạo dựng được nguồn vốn tương đối lớn. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, vấn đề ở đây không xuất phát từ việc bất vụ lợi hay vụ lợi mà liên quan đến chuyện xung đột quyền lực giữa các cổ đông góp vốn trong trường. Do đó, theo ông Ngọc, những trường tư như Trường ĐH Phan Châu Trinh nên chuyển dần sang mô hình không có cổ đông, nhà nước nên thay đổi hành lang pháp lý, phải có luật, có loạt chính sách để quản lý trường tư đồng thời các trường liên kết quỹ giáo dục. Để tránh chuyện góp vốn, nhà sáng lập nên đi vay, huy động các mạnh thường quân để thiết kế thành mô hình trường mới. “Những trường đối vốn đều lỗ, chúng tôi phải tránh con đường đó”, ông Nguyên Ngọc khẳng định.
Tiếp lời nhà văn Nguyên Ngọc, TS Dương Tấn Diệp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính - cho rằng đẩy mạnh phát triển đại học tư thục ở Việt Nam là điều không cần phải bàn cãi. Sự phát triển các trường tư thục nói riêng và các trường ngoài công lập nói chung đã góp phần làm cho các trường công lập năng động hơn. Đối với đại học tư thục, lợi nhuận hay phi lợi nhuận đều tốt nếu nó tạo ra dịch vụ giáo dục tốt cho xã hội. Một trường vì lợi nhuận đào tạo có chất lượng cao vẫn tốt hơn là một trường phi lợi nhuận kém chất lượng. Lưu ý rằng trường phi lợi nhuận không có nghĩa là không có lợi nhuận. Không nên cho rằng lợi nhuận trong giáo dục là xấu, mà phải thấy đó là động lực của sự phát triển, là thước đo hiệu quả hoạt động và là điều kiện để tiếp tục đầu tư phát triển trường. Vấn đề là lợi nhuận được sử dụng như thế nào, nhằm mục đích gì. Mỗi loại hình trường, lợi nhuận hay phi lợi nhuận đều có ưu nhược điểm riêng. Cần tạo một hành lang pháp lý vững chắc để một mặt phát huy ưu điểm, mặt khác hạn chế những nhược điểm tiềm ẩn trong mỗi mô hình.
"Đáng tiếc, những quy định liên quan đến các trường ngoài công lập thời gian qua có nhiều điểm bất hợp lý, thiếu chặt chẽ, đã tạo điều kiện cho sự bất ổn xảy ra ở một số trường. Khái niệm phi lợi nhuận đôi khi được sử dụng như một chiêu bài phục vụ cho ý đồ không tốt, phi lợi nhuận trá hình" - TS Dương Tấn Diệp.
Ở Mỹ, các trường đại học tư thục phi lợi nhuận (chiếm khoảng 37%), về bản chất là không có chủ sở hữu, không có cổ đông, và do đó không chia cổ tức, thậm chí nếu trường giải thể thì tài sản còn lại cũng phải chuyển giao cho các tổ chức phi lợi nhuận khác. Trong khi đó, trường “không vì lợi nhuận” theo định nghĩa của Luật Giáo dục đại học của chúng ta vẫn có cổ đông, và do đó, vẫn có thể được chia cổ tức (không cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ). Thực tế nếu theo định nghĩa này, một trường tuyên bố không vì lợi nhuận, dù chia cổ tức thấp vẫn có nhiều cách để những người chủ sở hữu đồng thời là những người nắm quyền điều hành có thể “chia” thu nhập dưới nhiều dạng khác và nếu muốn cũng có thể bán trường, giả định với giá cao, khi đó tính chất phi lợi nhuận là không đúng thực chất. Vì vậy, về mặt pháp lý nên xác định loại trường phi lợi nhuận đúng bản chất của nó, trường “hoàn toàn không vì lợi nhuận”: không có chủ sở hữu, không chia cổ tức, được hưởng mọi ưu đãi về thuế, đất đai và những ưu đãi khác nếu có. Đối với trường “không vì lợi nhuận” mà vẫn có chủ sở hữu, vẫn chia cổ tức ở mức không cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ thì chỉ nên ưu đãi ở một mức độ nhất định. Còn trường vì lợi nhuận thì phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính như các doanh nghiệp, ngoại trừ những ưu đãi riêng cho lĩnh vực giáo dục. Và không nên có sự lấn cấn về tài sản sở hữu chung như các quy định hiện hành để có thể làm an lòng các nhà đầu tư.
TS DươngTấn Diệp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính
Tại buổi tọa đàm, GS Võ Tòng Xuân cho biết ông làm hiệu phó hai trường công lập, một thuộc trung ương, một trường thuộc tỉnh. Qua đó, ông nhận thấy đối với trường thuộc trung ương, sau khi được Bộ GD-ĐT duyệt kinh phí, trường được sử dụng toàn quyền. Mức kinh phí này dần bị thắt chặt đối với trường công thuộc tỉnh, trường tư. Do đó, chuyện mâu thuẫn giữa Hội đồng quản trị và ban giám hiệu là không thể tránh khỏi. Mâu thuẫn này không chỉ xuất phát từ việc trường lỗ lãi, mà còn do Ban giám hiệu không thực hiện ý đồ của HĐQT đặt ra. Ở Việt Nam, HĐQT đóng vai trò "ông chủ" của các trường tư trong khi ở nước ngoài, các trường có quỹ tín thác chuyên xử lý tiền bạc của các nhà đầu tư. Hội đồng tín thác luôn đáp ứng yêu cầu Ban giám hiệu đặt ra đồng thời thực hiện trả tiền lương cho giáo viên, cung cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, học bổng cho sinh viên… Tuy phi lợi nhuận nhưng các trường vẫn lấy mức học phí cao để tái đầu tư...
GS Phạm Phụ - nguyên giảng viên Trường ĐH Bách Khoa
Còn GS Phạm Phụ - nguyên giảng viên Trường ĐH Bách Khoa – ĐHQG TP HCM khẳng định hiện Việt Nam chưa có trường nào đúng nghĩa phi lợi nhuận và thậm chí 5 – 10 năm nữa, nước ta cũng sẽ chưa thể có ĐH phi lợi nhuận. GS Phụ đưa ra mô hình trường ĐH phi lợi nhuận cho Việt Nam như sau: Xây dựng trường không có cổ đông, tài sản cộng đồng; không chia lợi nhuận cho ai và trường vận hành bằng hội đồng tín thác. Để hướng đến mô hình phi lợi nhuận trong tương lai, GS Phụ cho rằng người Việt cần hình thành văn hóa cho, tặng đồng thời nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ, giảm thuế cho các nhà đầu tư. Cùng quan điểm với các chuyên gia trên, GS Phu cho rằng trước mắt, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và cho trường ĐH tư vận hành như một doanh nghiệp nhằm tránh sự hiểu lầm, mâu thuẫn giữa ban giám hiệu và hội đồng cổ đông.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện nói về mối liên quan giữa nhà đầu tư và ban giám hiệu ở nước ngoài
Ths Đỗ Thế - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phan Châu Trinh
Buổi tọa đàm kết thúc vào lúc 12 giờ ngày 4-9 với nội dung đạt được những yêu cầu cơ bản đặt ra. Qua buổi tọa đàm, chúng ta có thể đúc kết ý kiến từ các chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục như sau:
- Giáo dục phải có lợi nhuận. Điều quan trọng là mỗi trường sử dụng lợi nhuận đó sao cho hiệu quả, tránh xảy ra xung đột, hướng tới thực tiễn cao đẹp.
- Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý, điều chỉnh những lỗ hổng trong việc quản lý giáo dục đồng thời làm rõ một số khái niệm còn mù mờ.
- Phi lợi nhuận không phải là mô hình mới trên thế giới và không phải điều quan trọng. Điều quan trọng nhất là các trường đều phải có hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo đúng mong muốn của công chúng, nhu cầu xã hội.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ:
Bình luận (0)