Học viên Công ty TNHH Nhật Huy Khang (quận Bình Thạnh, TP HCM) phỏng vấn đơn hàng trực tuyến - Ảnh minh họa: GIANG NAM
Đi làm việc ở nước ngoài, những người con của quê hương đã siêng năng lao động, tích cóp gửi tiền về lo cho sinh kế gia đình và việc học hành của con em. Nhờ nguồn ngoại hối này mà bộ mặt làng quê thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên mọi mặt.
Không chỉ góp sức xây nên những ngôi làng giàu đẹp, nhiều người đi xuất khẩu lao động đã siêng năng làm việc, chí thú học hỏi, được những ông chủ, giám đốc doanh nghiệp (DN) ở nước ngoài quý mến, giúp đỡ họ thăng tiến trong công việc. Rồi họ về quê, thành lập DN, tạo việc làm cho người dân địa phương, làm giàu cho bản thân và quê hương. Đó là câu chuyện của nhiều ông chủ ở Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An, ở Củ Chi (TP HCM), những tấm gương mẫu mực về xuất khẩu lao động.
Nhưng cũng có những người đi xuất khẩu lao động đã không siêng năng làm việc, lại rủ nhau trốn ra ngoài, làm việc bất hợp pháp ở nước sở tại, nhất là những người sang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Những người bỏ ra ngoài làm việc và những người sống bất hợp pháp đã góp phần làm cho hình ảnh người Việt trở nên không đẹp khi hành xử thiếu văn hóa trên tàu điện ngầm, nơi công cộng, thậm chí có hành vi phạm tội như trộm cắp tại siêu thị hay phạm các tội hình sự khác.
Cũng vì tình trạng cả nhóm người nghe lời rủ rê kéo nhau bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc chính thức hay hết hạn hợp đồng không chịu về nước mà ở lại bất hợp pháp nên Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều năm qua đã có các văn bản nghiêm khắc để chế tài. Ngoài trục xuất, cấm trở lại làm việc, xử lý cả người bao che, liên đới, gần đây có thêm quy định tạm dừng, không tuyển lao động ở những địa phương có nhiều người bỏ trốn.
Theo đó, chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) năm 2021 tạm dừng tại 10 huyện, thị thuộc 5 tỉnh: Thanh Hóa (Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa), Nghệ An (Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Nam Đàn), Hà Tĩnh (Nghi Xuân, Kỳ Anh), Thái Bình (Tiền Hải), Quảng Bình (Bố Trạch). Đây là những địa phương có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên và có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên.
Với quy định này, những người có nguyện vọng và thiện ý làm việc với ý thức tuân thủ pháp luật cao nhất đi nữa, nếu sống tại các địa phương trên sẽ không có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Cánh cửa xuất khẩu lao động của họ hẹp lại chỉ vì sai trái của những người cùng quê.
Sự nghiêm khắc của cơ quan hữu trách Hàn Quốc, Nhật Bản là cần thiết, người Việt hãy tự trách mình. Để khắc phục, các địa phương nên chấn chỉnh, nhắc nhở các gia đình có con em đi xuất khẩu lao động dặn dò con em tuân thủ pháp luật nước sở tại và tuân thủ hợp đồng làm việc. Bản thân từng người đi xuất khẩu lao động hãy phấn đấu làm việc, nhìn vào những trường hợp bị trục xuất về nước với hai bàn tay trắng và vết đen trong hồ sơ để tránh sai lầm.
Làm việc hợp pháp, có ý chí, tài năng, cũng là thêm cho bản thân cơ hội đổi đời.
Bình luận (0)