xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó xử lý hình sự doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Bài và ảnh: MAI CHI

Bất cập từ các quy định của pháp luật khiến việc xử lý hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí ách tắc

Theo Vụ Pháp chế - BHXH Việt Nam, sau khi Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015 bổ sung các điều luật quy định về các tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), từ năm 2018 - 2023, cơ quan BHXH cả nước đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra. Đến nay mới chỉ có 15 hồ sơ được khởi tố và xét xử tại tòa. Trong đó, 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật, qua đó cơ quan BHXH đã thu hồi được 2,4 tỉ/2,7 tỉ đồng từ việc thi hành án của các tổ chức, cá nhân (tỉ lệ hơn 88%).

Hai vụ án điển hình

Một trong những vụ án điển hình liên quan tội "Gian lận BHYT" (quy định tại điều 215 BLHS) đã bị truy tố, được đưa ra xét xử là vụ việc xảy ra tại Bệnh viện (BV) Giao thông Vận tải Yên Bái (tỉnh Yên Bái).

Theo bản án, năm 2017, BV được giao tự chủ tài chính nhưng sau đó gặp nhiều khó khăn do có ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh (KCB), dẫn đến nguồn thu không bảo đảm để duy trì hoạt động. Để tăng nguồn thu, ông N.V.G, giám đốc BV, đã giao chỉ tiêu về số lượng bệnh nhân đến KCB và điều trị cho từng khoa, phòng chuyên môn. 

Nhưng do cơ sở vật chất đã xuống cấp, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ - nhân viên BV hạn chế nên không thể đạt chỉ tiêu đề ra. Do vậy, từ năm 2017 - 2020, ông G. và 9 cán bộ BV đã lập khống 1.438 hồ sơ bệnh án KCB BHYT và đề nghị cơ quan BHXH thanh toán tổng số tiền hơn 781 triệu đồng. Sau đó, BHXH tỉnh Yên Bái đã thanh toán cho BV hơn 680 triệu đồng, tương ứng với 1.054 hồ sơ bệnh án. 

Mặc dù số tiền trục lợi được sử dụng cho các hoạt động của BV, không được hưởng lợi trực tiếp từ số tiền trên nhưng với vai trò chủ mưu, tổ chức phân công các bị cáo thực hiện hành vi gian lận, tháng 7-2023, ông G. đã bị TAND tỉnh Yên Bái tuyên buộc phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tổng số tiền gây thiệt hại cho BHXH tỉnh từ năm 2017 - 2020 là 549 triệu đồng. Ngoài ra, ông G. còn bị xử phạt 2 năm 6 tháng tù giam về tội "Gian lận BHYT" và cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan lĩnh vực y tế với thời hạn 2 năm.

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM hướng dẫn thủ tục khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH cho người lao động

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM hướng dẫn thủ tục khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH cho người lao động

Trước đó, TAND tỉnh Hậu Giang cũng đã xét xử phúc thẩm vụ án hình sự về hành vi gian lận BHXH (điều 214 BLHS) đối với bà P.T.N.T, công nhân (CN) Công ty TNHH L.T và bà N.T.C.H (bác sĩ tại một trung tâm y tế huyện). Theo lời khai tại tòa, đầu tháng 9-2018, bà T. biết được nhiều CN có nhu cầu mua giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH nên đã bàn với bà H. làm GCN sẩy thai khống để bán. 

Lợi dụng chỉ đạo của giám đốc trung tâm y tế huyện về việc cho phép các y - bác sĩ ký tên khống vào phần "Xác nhận của thủ trưởng đơn vị" trong GCN nghỉ việc hưởng BHXH, từ tháng 9-2018 đến tháng 12-2019, bà H. đã làm giả 224 GCN nghỉ việc hưởng BHXH do sẩy thai để T. bán cho CN với giá từ 1,2 triệu đến 2,8 triệu đồng/giấy. 

Trong đó, BHXH tỉnh Hậu Giang đã chi trả cho 209 trường hợp với tổng số tiền hơn 981 triệu đồng. Sau khi phát hiện vụ việc, BHXH tỉnh đã kiến nghị khởi tố. Kết quả, với tội "Gian lận BHXH", bà T. bị tòa tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và bà H. là 5 năm tù.

Nhiều bất cập

Vụ Pháp chế cho hay trong tổng số 417 hồ sơ cơ quan BHXH gửi sang cơ quan điều tra có 34 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo điều 214 BLHS về tội "Gian lận BHXH, BHTN"; 4 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo điều 215 về tội "Gian lận BHYT"; 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo điều 216 về tội "Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN". 

Có 220/417 hồ sơ không khởi tố do được xác định là không có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính; 23 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố; 2 hồ sơ bị tạm đình chỉ, đình chỉ; 103 hồ sơ vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết. Đến nay chưa có vụ án nào liên quan điều 216 BLHS (trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN) được đưa ra xét xử. Nguyên nhân là do một số quy định hiện hành liên quan còn bất cập.

Cụ thể, Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng, trốn đóng dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý. Chẳng hạn, dù chế tài xử phạt vi phạm hành chính, hành vi trốn đóng đã được quy định tại điểm a khoản 7 điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và khoản 2 điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhưng vì chưa có khái niệm "trốn đóng" nên không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở cho việc xử lý hình sự.

Mặt khác, theo quy định tại điều 216 BLHS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán tại Nghị quyết số 05/2019/HĐTP, yếu tố cấu thành tội trốn đóng là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là do khó khăn khách quan hay do gian dối, thủ đoạn thì cơ quan BHXH không thể xác định được. 

Thực tế, có nhiều hồ sơ kiến nghị khởi tố tội trốn đóng đối với doanh nghiệp có kê khai đầy đủ số người tham gia, số tiền phải đóng và đã khấu trừ tiền lương của người lao động nhưng chưa đóng đã được cơ quan công an xác định là không có gian dối, không có thủ đoạn khác mà do khó khăn nên không thỏa mãn quy định của khoản 1 điều 216 BLHS. Trường hợp này cơ quan điều tra đề nghị khởi kiện vụ án dân sự. 

Dù vậy, hiện việc khởi kiện của tổ chức Công đoàn cũng đang gặp vướng mắc nên hầu như không thực hiện được. Ngoài ra, do chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với cá nhân là người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động nên việc xử lý hình sự hiện chỉ có thể áp dụng đối với pháp nhân, khó áp dụng với cá nhân. 

Cần hoàn thiện quy định pháp luật

Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc (Đoàn Luật sư TP HCM), để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT trong dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm (sửa đổi), các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật về hành chính, hình sự. Đồng thời, có hướng dẫn cách thu thập hồ sơ, tài liệu bảo đảm điều kiện cần và đủ cho cơ quan BHXH trước khi gửi kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra; tháo gỡ vướng mắc cho việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH của tổ chức Công đoàn.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo