Tại buổi công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam sáng 29-5 với chủ đề “Những ràng buộc đối với tăng trưởng”, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách ĐHQG Hà Nội (VEPR), trưởng nhóm nghiên cứu - nhận định kinh tế Việt Nam đã hồi phục nhưng quá trình hồi phục còn “nhẹ và mong manh”.
Năm 2014 tiếp tục có thêm dư địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp nhưng các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn đáng lo ngại. Doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế. Đặc biệt, năm nay xuất hiện mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông, đe dọa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Đáng chú ý, VEPR đưa ra mức dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay. Ở kịch bản thấp, GDP đạt khoảng 4,15%, kịch bản cao hơn cũng chỉ ở mức 4,88% - cả hai đều thấp hơn thành tích 5,42% đã đạt được trong năm 2013. TS Nguyễn Đức Thành cho biết: “Trước khi có “cú sốc” Trung Quốc, VEPR đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP từ 5,4%-5,5% nhưng vụ việc này chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế có sự suy giảm nhất định dù đã tính đến việc Chính phủ và các doanh nghiệp thích nghi, thay đổi với hoàn cảnh”.
Ông Thành cho rằng Việt Nam cần phát hiện, tìm kiếm khu vực thay thế nhập khẩu nguyên liệu; tái cơ cấu chu trình sản xuất theo hướng nhập khẩu hàng hóa có vốn đắt hơn từ Hàn Quốc, ASEAN, Mỹ, EU; nên kéo dài chu trình sản xuất, không quay vòng vốn nhanh để tránh rủi ro lệ thuộc vào Trung Quốc.
Theo TS Lê Đăng Doanh, cần điều chỉnh chi tiêu thường xuyên giảm xuống, tăng cường đầu tư về chiến lược biển, về quốc phòng. Các doanh nghiệp phải hoạt động một cách có hiệu quả hơn trên cơ sở tìm ra những đối tác mới thay thế Trung Quốc để đề phòng nếu Trung Quốc có biện pháp gây sức ép thì có phương án khắc phục. Bên cạnh đó, đối với kinh tế biển, cần hỗ trợ trực tiếp (sửa chữa, nguyên liệu) để người dân bám biển; bổ sung các tàu lớn của quốc gia để hỗ trợ về hậu cần cho các đội tàu cá.
“Cần thận trọng với những diễn biến, những cú sốc trong nền kinh tế và trong khu vực. Nên sáng suốt, có tầm nhìn xa, không chỉ phụ thuộc vào tin đồn hoặc niềm tin trong ngắn hạn để ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp trong nước” - TS Thành lưu ý.
Bình luận (0)