xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp kêu trời không thấu

Thế Dũng

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan; các bộ không bao giờ đi cùng nhau, "đợi ông kia về rồi ông khác mới đến..."

Ngày 21-8, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra 11 bộ về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Sô-cô-la "cõng" 13 giấy phép

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác, cho biết hiện tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan lên tới 30%-35%, trong khi Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải kéo giảm còn 15%.

Còn theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hiện có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và mỗi năm doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng cho hoạt động này.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá đang tồn tại tình trạng "độc quyền" trong kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng điều đáng nói là chỉ phát hiện được 0,1% vi phạm, một tỉ lệ rất thấp. Do sự chỉ định độc quyền của các bộ dành cho cơ quan kiểm định, chứng nhận mà DN phải di chuyển từ Nam ra từ Bắc, từ miền núi, miền biển về Hà Nội chỉ để kiểm tra, giám định. Cùng với đó, đến thời điểm này còn 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại cửa khẩu. Đặc biệt, hiện còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần thủ tục kiểm tra, làm tăng chi phí cho DN.

Doanh nghiệp kêu trời không thấu - Ảnh 1.

Kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu gây nhiều phiền phức cho doanh nghiệp Ảnh: Hoàng Triều

"Nhiều việc vẫn còn cài cắm giấy phép như một điều kiện kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định. Hoặc có bộ ra văn bản không phải thông tư nhưng yêu cầu này kia, tạo ra điều kiện, rào cản khác biệt" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gay gắt.

Đáng chú ý, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan, nhiều lô hàng hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được, thậm chí 3 tháng sau, bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra, hôm nay yêu cầu một thủ tục, hôm sau lại "đẻ" thêm thủ tục khác và DN cứ chạy theo. "Một mặt hàng nguyên liệu sô-cô-la cần 13 loại giấy phép. Hay mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) theo Bộ Y tế. Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải qua 2 bộ. Đáng ngại hơn là các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi ông kia về rồi ông khác mới đến kiểm tra, kiểm định. Các bộ thấy có hợp lý không" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bất bình.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sau cuộc họp này, tổ công tác sẽ rà soát từng bộ, như Bộ Công Thương có 1.220 điều kiện kinh doanh thì đi vào làm rõ từng thủ tục.

Bao biện

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nhận xét thủ tục phức tạp DN kêu đã 5 năm rồi. "Tôi cho rằng phàn nàn của DN là đúng. Phản ứng của DN với thủ tục kiểm tra chuyên ngành xoay quanh "5 không": không hợp lý, không minh bạch, không tiên lượng được, không hiệu lực và không phù hợp với thông lệ quốc tế".

Trước sự quy kết của ông Cung, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho rằng Bộ Y tế đã chuyển dịch theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế. "Anh Nguyễn Đình Cung nói Việt Nam quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế thì tôi xin nói duy nhất Nhật Bản và một số nước phát triển châu Âu, trong ASEAN có Singapore là không tiền kiểm mà chuyển sang hậu kiểm. Còn lại tất cả, từ Trung Quốc đến Thái Lan, Philippines trên từng sản phẩm đều có số giấy phép sản xuất trên mã sản phẩm. Do đó, không thể nói là không phù hợp với thông lệ quốc tế" - ông Phong phân bua.

Tiếp tục thanh minh, ông Phong dẫn hàng loạt quy định để phản ứng lại nhận định "5 không" của TS Nguyễn Đình Cung: "Bộ Tư pháp gác cửa cho Chính phủ, nếu chúng tôi làm trái luật thì họ đã có ý kiến. Còn thông tin sô-cô-la gánh 13 giấy phép, tôi không hiểu từ đâu. Còn nguyên liệu DN tự kê khai".

Trước phản ứng của Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, đề nghị thay giấy xác nhận bằng việc DN gửi thông báo cho Bộ Y tế và công bố trên nhãn hàng, bao bì, tài liệu kèm theo đúng định mức. Cơ quan chức năng căn cứ vào đó để kiểm tra, không cần chờ cấp giấy chứng nhận, xác nhận nữa thì có được không?

Đáp lại, ông Nguyễn Thanh Phong giải thích: "Hiện nay, Nhật Bản, một số nước châu Âu, Singapore đang làm như vậy. Nhưng ý thức chấp hành pháp luật của DN ở những nước đó rất tốt và nguồn lực phục vụ hậu kiểm của họ rất mạnh. Để thực hiện hậu kiểm phải có 2 yếu tố. Một là, ý thức chấp hành pháp luật, như ở Singapore, không thấy ai trốn vé xe buýt, ở Nhật Bản làm gì có bơm tạp chất vào tôm, làm gì có rau 2 luống, lợn 2 chuồng, làm gì có lợn sề thành thịt bò… Hai là, về nguồn lực, như Nhật Bản có 12.000 thanh tra chuyên ngành về ATTP, còn Việt Nam chỉ có 400 người. Ở Nhật Bản người ta chi một lượng tiền khổng lồ mua mẫu để hậu kiểm và xét nghiệm. Còn đến nay, kinh phí của Việt Nam dành cho ATTP mới tạm ứng được hơn 20% của năm 2016. Tôi không bao biện nhưng Việt Nam chưa làm được như họ".

Trước sự "tự vệ" của Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thẳng thắn: "Không nên bao biện quá cục trưởng à! Mình phải nhìn thực tế của ngành mình. Anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không tốt như thế đâu… Nếu tốt như thế thì DN chẳng phải kêu lên tận Chính phủ. Mình không đặt vấn đề mở cửa, không kiểm soát dịch bệnh, cho thực phẩm mất an toàn vào nhưng phải quyết tâm ngăn chặn việc kiểm tra chồng chéo, rồi kiểm tra nhiều nhưng phát hiện vi phạm thì lại không thấy. Anh nói làm nhiều nhưng anh phát hiện ra bao nhiêu phần trăm vi phạm? Tôi nói quan trọng nhất là mình rà soát lại để xem cái gì bỏ được thì cắt cho DN bớt khổ, cái gì chưa cắt, chưa sửa được ngay thì trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu quan điểm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo