Theo văn bản, Tổng giám đốc công ty Hưng Nghiệp Formosa Dương Hồng Chí lý giải việc thiết lập đặc khu kinh tế nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện...
Trong đó, nhà đầu tư 100% vốn Đài Loan này dự thảo sẵn một bản điều lệ về quản lý thiết lập đặc khu với một số điều kiện ưu đãi bên ngoài những điều kiện đã được hưởng theo giấy chứng nhận đầu tư dự án, chẳng hạn như hưởng cơ chế bảo hộ ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, miễn thuế thu nhập khấu trừ tại nguồn, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu...
Ngoài ra, Formosa đề xuất được xây ký túc xá hộ gia đình để cho thuê, bán lại cho nhân viên, trong đó nhân viên người Việt có thể nhận được quyền sử dụng đất lâu dài trong đặc khu. Thậm chí, mô hình khép kín có thể được hình thành với bệnh viện, trường học, nhà trẻ, lớp học song ngữ hoặc trường song ngữ.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm đầu tư, doanh nghiệp đặt điều kiện nếu vì mục đích an toàn quốc phòng mà phải thu hồi đất đặc khu, Ban quản lý và phía đầu tư trước khi thu hồi phải thảo luận vấn đề bồi thường để đi đến thống nhất ý kiến. Đồng thời, nếu xảy ra các cuộc bạo động mà không phải do chủ quan từ phía nhà đầu tư, dẫn tới tổn thất kinh doanh và tài sản, toàn bộ sẽ do Chính phủ chịu trách nhiệm bồi thường.
Trao đổi với PV, ông Ngô Đình Vân - Phó trưởng ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cho hay giải quyết đề xuất lập đặc khu kinh tế gang thép của Formosa phải căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam và sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư, cũng như đảm bảo quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.
"Những đề xuất của họ cần phải nghiên cứu thêm vì quá mới" - ông Vân nói. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xem xét kỹ lưỡng, lấy ý kiến của các bộ ngành, cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, nên không thể "ngày một ngày hai" giải quyết xong, vị lãnh đạo này nhận định.
Formosa là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD và đang có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỉ USD. Ngày 14-5 vừa qua, một số cá nhân quá khích nhân vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong lãnh hải Việt Nam đã tiến hành đập phá nhà xưởng, thiết bị khiến doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.
Ngay sau sự cố, Hà Tĩnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chủ động đến tận địa bàn và yêu cầu triển khai sớm các biện pháp để kịp thời ổn định tình hình, như hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa, hỗ trợ thuế, tiền bảo hiểm cho người lao động, thống kê thiệt hại và trao lại tài sản, tiền bồi thường... Đến nay, công nhân và chuyên gia nước ngoài tại Formosa nói riêng và Vũng Áng nói chung hầu hết đã trở lại làm việc bình thường.
Bình luận (0)