Trong phiên giao dịch ngày 21-4, thị trường chứng khoán (TTCK) lại đóng cửa trong sắc đỏ, đánh dấu ngày giảm điểm thứ 6 liên tục. VN-Index đã mất tổng cộng 106,7 điểm, còn 1.370,21 điểm. Nếu tính từ mốc 1.525 điểm được thiết lập ngày 4-4, chỉ số này đã mất gần 160 điểm, tức hơn 10% giá trị. Hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn hóa của TTCK đã bị thổi bay chỉ trong thời gian ngắn.
"Không nghĩ dễ mất tiền như vậy"
Hầu hết các nhà đầu tư cá nhân trên TTCK đều thua lỗ 20%-30% trong 2 tuần trở lại đây. Cá biệt, người nắm cổ phiếu đầu cơ hay những mã dính tin đồn có thể thua lỗ tới 40%-50% tài khoản. Trong khi đó, những tin đồn về điều tra, thanh tra vẫn thường xuyên xuất hiện trên các hội, nhóm, diễn đàn khiến nhà đầu tư lo sợ, chán nản, luôn muốn tìm cách rời bỏ chứng khoán.
Trong những ngày gần đây, nhà đầu tư còn bức xúc với tình trạng "bán tống bán tháo" xuất hiện vào cuối phiên, nhất là vào 15 phút phiên khớp lệnh đóng cửa (ATC). Một số cổ phiếu đang hồi phục hoặc tăng giá bỗng chuyển giá sàn khiến họ không trở tay kịp.
Chị Hoa Phạm, một nhà đầu tư vừa tham gia TTCK từ đầu năm đến nay, bày tỏ: "Thật sự tôi không nghĩ chứng khoán lại dễ mất tiền đến như vậy. Đầu năm nay, nghe bạn bè kể năm qua họ trúng lớn nhờ đầu tư cổ phiếu nên tôi quyết định rút tiết kiệm 500 triệu đồng, mở tài khoản chứng khoán để đầu tư. Vài đợt đầu tôi cũng lời 5%-10%.
Gần đây, nghe nhiều người nói cổ phiếu đầu tư công, khu công nghiệp tốt nên tôi dồn hết vốn và lãi để mua 3 mã LHG, FCN, HBC. Thế nhưng, chỉ sau 2-3 tuần, tài khoản âm gần 35%, tôi không biết phải giải thích thế nào với gia đình. Đợi vài phiên nữa, nếu thị trường tốt hơn, tôi sẽ bán hết và không bao giờ chơi chứng khoán nữa".
Chứng khoán liên tục giảm sâu khiến các nhà đầu tư thua lỗ lớn và muốn rời thị trường. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngày 21-4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) thông báo tìm người bị hại do hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” của ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC và các bị can khác gây ra. Theo đó, các nhà đầu tư (bị hại) có thể liên hệ C01 trước ngày 15-6 để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ng.Hưởng
Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Hùng (ngụ quận 8, TP HCM) cho biết sau 1 năm nghỉ ở nhà do dịch bệnh, ông đầu tư chứng khoán và kiếm cả vốn lẫn lãi được hơn 5 tỉ đồng. Song, chỉ 2 tuần vừa qua, không chỉ mất sạch tiền lãi kiếm được mà tài khoản của ông còn âm 1,5 tỉ đồng.
"Mấy ngày qua, tôi vô cùng khổ sở, mỗi ngày nhìn tài khoản mất đi vài trăm triệu đồng mà không có cách nào lấy lại được. Tôi chỉ mong Chính phủ và các cơ quan chức năng giải quyết sớm những hành vi thao túng chứng khoán để thị trường tìm lại được niềm tin, nhà đầu tư yên tâm khi rót vốn vào TTCK" - ông Hùng mong mỏi.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhận định đà giảm mạnh có phần bất ngờ của TTCK vừa qua đã khiến không ít nhà đầu tư mất phương hướng, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân. Hai năm qua, TTCK chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân mới tham gia, tâm lý của họ không vững chắc nên dễ bị khủng hoảng khi có vấn đề gì đó làm ảnh hưởng thị trường.
Theo ông Hà, việc TTCK giảm liên tục đến từ phản ứng thái quá do có sự lo ngại và áp lực bán của nhà đầu tư/đầu cơ khi có thông tin về việc xử lý các hành vi thao túng thị trường, làm trong sạch môi trường và thực tiễn huy động vốn qua trái phiếu của các cơ quan chức năng… Tuy nhiên, hành động này của các cơ quan quản lý sẽ đem đến một "sân chơi" lành mạnh hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước trong trung - dài hạn.
"Sau 9/10 phiên giảm liên tục thì thời điểm hiện tại, tôi cho rằng đây đã là vùng trũng và TTCK đang tạo đáy. Nhà đầu tư đã được trấn an và sẽ đi tiếp. Việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trong những ngày qua cũng sẽ giúp nhà đầu tư trong nước an tâm phần nào, từ đó TTCK sẽ sớm cân bằng trở lại và đi lên" - ông Hà đánh giá.
"Sau cơn mưa, trời lại sáng"
Gắn bó với TTCK Việt Nam từ khi mới thành lập, ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Dragon Capital, cho rằng động thái quyết liệt xử lý các lãnh đạo, cá nhân, doanh nghiệp (DN) vi phạm trong lĩnh vực TTCK của cơ quan chức năng thời gian gần đây là điều rất tốt, góp phần thanh lọc những yếu tố tiêu cực, từ đó lành mạnh hóa TTCK trong tương lai. Việc này có thể làm ảnh hưởng tâm lý TTCK trong ngắn hạn nhưng ông D. Scriven khuyên nhà đầu tư cá nhân nên bình tĩnh và đa dạng hóa danh mục để hạn chế rủi ro.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI - một trong những công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam hiện nay, lại cho rằng TTCK Việt Nam đang có nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Chỉ số P/E của TTCK khoảng 13,5 lần như hiện nay là khá thấp. Việc cơ quan chức năng kiểm soát giao dịch của một số nhóm thao túng TTCK, cũng như chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu DN của các tập đoàn kinh tế tư nhân đã ảnh hưởng sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán. Nhà đầu tư cầm cổ phiếu sẽ bi quan nhưng theo ông Hưng, "sau cơn mưa, trời lại sáng". Việc lành mạnh hóa TTCK luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính - Marketing, cũng cho rằng thời điểm hiện tại là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục. Theo ông, thời gian qua, TTCK có rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia, vốn ít nhưng lại muốn lời nhanh và nhiều nên họ mạnh tay ký quỹ (vay tiền công ty chứng khoán) để mua nhiều mã cổ phiếu, khiến tỉ lệ ký quỹ trên toàn TTCK tăng lên rất nhiều. Khi cơ quan chức năng liên tục xử lý các vụ thao túng cổ phiếu, nhà đầu tư mất bình tĩnh nên bán tháo, khiến giá cổ phiếu giảm sâu. Lập tức, các công chứng khoán cũng ồ ạt bán giải chấp cổ phiếu mà nhà đầu tư ký quỹ để thu hồi vốn, khiến TTCK càng giảm sâu hơn.
Vì thế, ông Thuận khuyên các nhà đầu tư mạnh vốn hoặc chỉ ký quỹ với tỉ lệ nhỏ cần tỉnh táo để tìm kiếm cơ hội mới. Bởi lẽ, TTCK hiện nay có rất nhiều mã cổ phiếu tốt. Khi tốc độ bán giải chấp của các công ty chứng khoán có dấu hiệu dừng lại là lúc nhà đầu tư nên mua vào các mã cổ phiếu tốt để cơ cấu lại danh mục của mình.
Với góc độ cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích cực hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển về dài hạn nhằm bảo đảm TTCK tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động TTCK; rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ và xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý. Cùng với đó, phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng đầu tư, hướng tới đầu tư bền vững.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Qua đó, góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia TTCK an toàn và hiệu quả.
Nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế để khắc phục
Ngày 21-4, phát biểu tại lễ công bố, kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc do Bộ Tài chính tổ chức, nhắc tới một số vụ án, vụ việc vừa qua liên quan đến TTCK, thị trường trái phiếu DN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Việt Nam là một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, mọi công việc phải làm theo hướng từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp, không cầu toàn, không nóng vội. Trong quá trình vận động và phát triển, sẽ có mặt được và mặt chưa được; sẽ xuất hiện những mâu thuẫn, khó khăn, thách thức, bất cập, phức tạp cần giải quyết, xử lý.
"Từ thực tiễn phát triển thị trường tài chính, TTCK, chúng ta cần tiếp tục phát huy những mặt tích cực, những mặt được, đồng thời nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, bất cập để khắc phục. Ai làm đúng thì khuyến khích, động viên, khen thưởng nhưng sai thì phải sửa, ai vi phạm phải bị xử lý theo quy định" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng việc thông tin, tuyên truyền phải khách quan, trung thực, chính xác, minh bạch. Các cơ quan công bố, cung cấp thông tin chính thức, trung thực về các vụ việc và tình hình, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước cho các cơ quan báo chí và nhà đầu tư để người dân, DN, nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh theo quy định của pháp luật, góp phần giúp thị trường tài chính phát triển lành mạnh, bền vững.
T.Dũng
Bình luận (0)