xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng thuế GTGT - người nghèo thêm oằn vai

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM)

Mức tăng thuế 2% có thể tước đi bộ đồ mới của học sinh mùa tựu trường, bác xe ôm mất ly cà phê sáng, chị hàng rong trở về nhà muộn hơn, bữa cơm ở vùng cao ít đi chút thịt và chiếc áo mùa đông càng mỏng manh hơn…

Bộ Tài chính đã đề xuất lộ trình thực hiện việc tăng thuế GTGT theo nhiều phương án khác nhau nhưng nhìn chung là các mức thuế suất GTGT sẽ đồng loạt được điều chỉnh tăng với mức cao nhất là 12%, thậm chí có kịch bản lên đến 14% vào năm 2021.

Lập luận chưa thuyết phục

Các lý lẽ được Bộ Tài chính đưa ra cho việc tăng thuế là do mức thuế suất GTGT của nước ta hiện khá thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ hai, tăng thuế là để bảo đảm sự công bằng giữa các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Thứ ba, khi nợ công tăng cao thì các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng tăng thuế gián thu như thuế GTGT để bù đắp. Và cuối cùng thực hiện tăng thuế là để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Tôi cho rằng đưa vấn đề này ra thảo luận ở thời điểm hiện nay khó đạt được sự đồng thuận và có nhiều luận điểm cần trao đổi lại để bảo đảm tính hiệu quả của chính sách tài khóa này.

Trước hết, Bộ Tài chính đã thiếu khách quan và công bằng khi so sánh mức thuế GTGT 10% hiện nay của Việt Nam với những quốc gia có thuế suất cao hoặc thậm chí là rất cao, như các nước đang phát triển của EU. Mục tiêu "theo thông lệ quốc tế" cũng cần được làm rõ là thông lệ quốc tế nào (!?). Bởi lẽ, ở những nước áp dụng thuế suất GTGT cao thường là các quốc gia phát triển, có thu nhập bình quân đầu người rất cao và chất lượng cuộc sống được bảo đảm bởi những dịch vụ công và phúc lợi xã hội rất tốt. Y tế, giáo dục có chất lượng cao; hệ thống giao thông hiện đại, tiện lợi và an toàn; phụ nữ khi sinh con được hưởng nhiều trợ cấp, trẻ em được nhà nước bảo hộ, nuôi nấng và dạy dỗ từ tiểu học đến hết phổ thông; người thất nghiệp thậm chí là vô công rỗi nghề cũng được trợ cấp để bảo đảm một cuộc sống cơ bản. Nói cách khác, họ đóng thuế cao nhưng được hưởng những lợi ích tương xứng với nghĩa vụ nộp thuế của mình.

Còn nếu nói tăng thuế GTGT để bảo đảm công bằng giữa các ngành nghề thì càng không thuyết phục, bởi vì bản chất mỗi ngành nghề đều có những đặc điểm và vai trò riêng biệt. Chính vì vậy, khái niệm "công bằng" thực sự là không tồn tại trong trách nhiệm về thuế của từng lĩnh vực. Tuy nhiên, để thay đổi chính sách điều tiết đối với các ngành nghề theo từng giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau thì Chính phủ có thể điều chỉnh bằng các loại thuế trực thu đánh vào chi tiêu hoặc thu nhập của một lĩnh vực hoặc hàng hóa cụ thể, như thuế thu nhập hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, thuế GTGT là gián thu, tác động tổng thể lên mọi ngành nghề và lĩnh vực, mà cho rằng dùng thuế GTGT để bảo đảm công bằng thì e rằng là phi lý.

Tăng thuế GTGT - người nghèo thêm oằn vai - Ảnh 1.

Cuộc sống những người có thu nhập thấp sẽ khó khăn hơn khi thuế GTGT tăng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bản chất của thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao ở Việt Nam và các nước có thuế suất GTGT cao là hoàn toàn khác nhau. Các quốc gia EU thậm chí rơi vào khủng hoảng nợ công do họ đã thực hiện chi tiêu ngân sách quá lớn cho an sinh xã hội và các khoản phúc lợi, thậm chí đến mức xa xỉ cho dân chúng nước họ. Vì vậy, khi các quốc gia này gánh chịu những cú sốc từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến nền kinh tế xấu đi một cách đột ngột, dẫn đến các khoản thu ngân sách không còn đủ để bù đắp cho thâm hụt do chi tiêu quá lớn. Vì vậy, chính phủ các quốc gia này tăng thuế để thực hiện cân đối ngân sách là một việc làm có tính chất yêu cầu người dân chi trả nghĩa vụ thuế nhiều hơn để tiếp tục được thụ hưởng những phúc lợi xã hội tốt trong điều kiện kinh tế chung toàn cầu đang xấu đi. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách lớn và nợ công tăng cao của Việt Nam xuất phát từ tính kém hiệu quả, lãng phí và thậm chí là tham nhũng trong sử dụng ngân sách và đầu tư công. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng thuế GTGT để bù đắp nợ công là buộc người dân phải chi trả thêm để giải quyết cho những hậu quả không phải do họ gây ra và họ hoàn toàn không được thụ hưởng gì từ những nghĩa vụ tăng thêm của mình. Điều đó rõ ràng là không công bằng và không được đồng thuận.

Lập luận cuối cùng của việc tăng thuế GTGT để bảo đảm an ninh tài chính là khá mơ hồ. Trong khoa học kinh tế, mà cụ thể là lĩnh vực tài khóa hầu như không có khái niệm học thuật về an ninh tài chính. Thay vào đó là vấn đề chính sách tài khóa, nghĩa là Chính phủ phải tự cân đối giữa các nguồn thu từ thuế và phí để thực hiện các khoản chi của mình nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là sự phát triển và thịnh vượng về kinh tế. Đó là một phần của khế ước xã hội được thỏa thuận giữa dân chúng và Chính phủ. Người dân đồng ý chi trả một nghĩa vụ cụ thể để được hưởng những hàng hóa và dịch vụ công mang lại bởi Chính phủ. Việc dùng khái niệm "bảo đảm an ninh tài chính" dễ dẫn đến tâm lý áp đặt lên người dân rằng đây là một vấn đề có tính bắt buộc liên quan đến an ninh quốc gia, trong khi bản chất vấn đề vừa được phân tích cho thấy không phải như vậy.

Đừng bắt người nghèo thắt lưng buộc bụng

Tăng 2% thuế GTGT là trực tiếp đánh vào sinh kế của hơn 93 triệu con người mà tác động mạnh nhất là lên những người có thu nhập thấp, bởi vì thuế GTGT có tính chất "lũy thoái". Dưới góc độ tiêu dùng thì mọi người bất kể nghèo hay giàu đều phải đóng cùng một mức thuế GTGT cho một hàng hóa hoặc dịch vụ chịu thuế. Tuy nhiên, do người nghèo hầu như phải dùng toàn bộ thu nhập của mình cho tiêu dùng nên xem như họ phải chịu một mức thuế có tỉ trọng rất lớn dựa trên thu nhập. Nói cách khác, đối với những người không đủ tiền để tiết kiệm và tích lũy thì thuế GTGT giống như thuế thu nhập đối với người nghèo. Vì vậy, tăng thuế suất lên chắc chắn sẽ khiến họ phải thắt lưng buộc bụng, gánh nặng mưu sinh thêm oằn trên vai.

Nhiều người sẽ lập luận rằng tăng thuế suất thêm 2% sẽ chẳng làm ai phải nhịn ăn và chết đói. Nhưng biết đâu, có thể con số 2% đó sẽ tước đi một bộ đồ mới của các em học sinh mùa tựu trường sắp đến, bác xe ôm mất ly cà phê sáng ở vỉa hè, chị hàng rong trở về nhà muộn hơn, bữa cơm ở các vùng cao ít đi chút thịt và chiếc áo mùa đông càng mỏng manh hơn. Vì vậy, xin những nhà hoạch định chính sách, khi đề xuất tăng thuế GTGT trước tiên hãy nghĩ đến những người nghèo. 

Không phải thời điểm thích hợp

Tăng thuế luôn là một tin tức "không vui" đối với công chúng và rõ ràng chọn thời điểm để công bố một tin tức như vậy khi tâm lý công chúng đang phải liên tục tiếp nhận quá nhiều những điều không vui là một ý tưởng kém về mặt truyền thông chính sách.

Người dân đang có tâm lý ngao ngán và lo lắng với các tin tức liên quan đến việc gia tăng chi phí sinh hoạt, như giá xăng, giá điện và hàng loạt loại thuế phí khác. Đặc biệt trong những ngày này, bức xúc của người dân liên quan đến trạm thu phí dự án BOT Cai Lậy - Tiền Giang càng làm gia tăng tâm lý phải gánh chịu thuế phí nặng nề của dân chúng. Thêm vào đó, là sự bất an về chất lượng cuộc sống liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, kẹt xe, nước sạch cùng với sự chưa an tâm của người dân về chất lượng giáo dục và y tế thì việc công bố lộ trình tăng thuế GTGT sẽ là một hành động đi ngược với hình ảnh và tâm huyết của một "Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động".

Tăng thuế sẽ là một tín hiệu xấu cho các dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Tin tức Chính phủ tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách và giải quyết nợ công sẽ tác động làm gia tăng lãi suất do cầu vốn vay tăng và điều này có thể sẽ tạo ra hiệu ứng lấn át của khu vực công lên khu vực tư nhân. Nghĩa là các hoạt động sản xuất và mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chi phí sản xuất tăng cao liên quan đến tăng thuế và lãi suất. Khi đó, chắc chắn DN sẽ chuyển hóa hoàn toàn phần chi phí tăng thêm này vào giá bán hàng hóa và dịch vụ. Sau đó là một chuỗi các hiệu ứng truyền dẫn lên mặt bằng giá cả chung của cả nền kinh tế.

Khi chi phí sản xuất của DN gia tăng cộng với việc người dân thu hẹp chi tiêu (do thuế, lãi suất và giá cả hàng hóa tăng) sẽ làm cho cơ quan điều hành chính sách tiền tệ lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế mà phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng một cách bị động và điều này sẽ tác động lên lạm phát kỳ vọng của công chúng. Lạm phát kỳ vọng tăng lại tiếp tục làm tăng lãi suất và cứ như vậy làm cho nền kinh tế có nguy cơ bị kéo vào vòng xoáy suy thoái.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo