Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan 8 tháng đầu năm 2016 cho thấy Việt Nam đã nhập từ thị trường Trung Quốc 1,4 triệu tấn than với giá 71 USD/tấn. Trong đó, giá nhập từ các thị trường khác chỉ khoảng 63 USD/tấn. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao than từ Trung Quốc lại đắt như vậy?
Chất lượng khác nhau nên giá khác nhau
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), loại Trung Quốc bán cho Việt Nam là than mỡ dùng trong luyện kim. Than mỡ là loại có tuổi thành tạo thấp hơn than antraxit (than gầy, loại thường khai thác ở Quảng Ninh) và giá cũng thường đắt hơn 4 lần. Trong khi đó, nếu nhập than từ Indonesia thì giá rất rẻ do là loại bitum, còn được gọi là than mềm. Loại than này khi đốt gây ô nhiễm không khí.
Công nhân Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin trong hầm khai thác Ảnh: VĂN DUẨN
“Tôi cho rằng chất lượng than Trung Quốc bán cho Việt Nam khác hoàn toàn so với các nước khác nên mới có giá tới 71 USD/tấn. Mức giá này đã rẻ hơn rất nhiều so với 200 USD/tấn trước đây” - ông Sơn giải thích.
PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Nhiệt Việt Nam, cho biết giá than trên thị trường thế giới cũng chênh nhau nhiều. “Ví dụ, Indonesia bán 44 USD/tấn nhưng Nam Phi chỉ bán với giá 23-25 USD/tấn... Ta nhập từ Nam Phi phải vận chuyển xa nhưng tính ra cũng rẻ nên vẫn nhập” - ông Nghĩa phân tích.
Nguyên Chủ tịch TKV Đoàn Văn Kiển cho biết trong kế hoạch, nhà nhập khẩu đã tính trước việc nhập than gì và bán cho ai. “Mỗi nhà sử dụng có yêu cầu chất lượng than riêng. Cũng như các loại hàng hóa khác trên thị trường, chất lượng khác nhau thì giá khác nhau. Cùng là than dù khai thác trong nước hay nhập từ nước ngoài, nếu nhiệt lượng khác nhau, độ tro khác nhau, chất bốc khác nhau, hàm lượng lưu huỳnh khác nhau... thì giá khác nhau; chênh lệch giá giữa các loại than lên đến vài chục đô la là chuyện bình thường” - ông Kiển lý giải.
Gánh nặng thuế, phí
Liên quan đến việc nhập khẩu, ông Kiển nhắc lại số liệu do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong kỳ họp Chính phủ cuối tháng 8 vừa qua là tồn kho than hiện đã đến khoảng 12 triệu tấn. Trong khi đó, tổng lượng than nhập khẩu từ đầu năm đến nay đã hơn 9 triệu tấn.
Về việc tồn kho trong nước cao mà vẫn nhập khẩu than, ông Kiển giải thích do một số nhà máy điện, nhà máy xi măng ngay từ đầu đã thiết kế sử dụng than nhập khẩu theo quy hoạch được duyệt. Bên cạnh đó, một số nhà sử dụng có thể thay đổi công nghệ để dùng than nhập khẩu dễ đốt thay cho than antraxit trong nước khó đốt. Do vậy, nhu cầu sử dụng than nhập khẩu tăng.
“TKV nhập khẩu than không bao nhiêu trong tổng số đã nhập. TKV chủ yếu nhập để pha trộn với than vùng Vàng Danh, Nam Mẫu (Uông Bí) có chất bốc thấp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời buổi cạnh tranh” - ông Kiển cho biết.
Theo cựu lãnh đạo TKV, trong những năm 2008-2011, nhu cầu than thế giới khá cao nên thị trường thuộc về người bán. TKV thời điểm đó có lãi nhiều nhờ xuất khẩu. Tuy nhiên, từ năm 2012, thị trường than thế giới chững lại rồi giá giảm đến một nửa. Trong khi đó, chi phí sản xuất than trong nước liên tục tăng dẫn đến giá đã cao hơn nhập khẩu.
“Các mỏ than ngày càng xuống sâu hơn nên chi phí tăng cao. Bên cạnh đó, thuế và phí với ngành than trong nước đã cao hơn các nước khác và đạt mức kỷ lục từ ngày 1-7 khi chiếm tới 16% giá thành, trong khi thế giới không quá 12%. Ngoài ra, sự quản lý chi phí tại TKV vừa qua có yếu kém. Tôi cho rằng nếu thành công trong việc siết chặt quản lý chi phí, TKV có thể giảm đáng kể giá thành than. Cùng với việc nhà nước xem xét điều chỉnh thuế và phí sao cho hợp lý, có tham khảo mức thuế phí ở các nước, tạo sự công bằng thì than trong nước mới cạnh tranh được, nhập khẩu sẽ bớt đi” - ông Kiển nhận xét.
Bình luận (0)