Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2017, với chủ đề "Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững" đã khai mạc sáng nay 13-12 tại Hà Nội. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì Diễn đàn.
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 - Ảnh: D.Ngọc
Thủ tướng nêu 5 biện pháp tăng năng suất
Phát biểu tại VDF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Trên thực tế Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng nội ngành kinh tế.
Nhìn tổng thể cải thiện năng suất, không chỉ có việc nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn và quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cải thiện năng suất chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia.
Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phải quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, nơi nắm giữ một nguồn vốn lớn của nền kinh tế nhưng việc sử dụng vốn chưa đem lại hiệu quả tương xứng, nhiều bất cập - Ảnh: VPG
Thứ nhất, để nâng cao năng suất vốn, hiệu quả sử dụng nguồn lực, Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, các thị trường tài chính theo hướng tăng quy mô, tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Cải thiện cơ chế phân bổ vốn dựa trên hiệu quả, tín hiệu thị trường; cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận vốn của nông dân, các nhóm thiểu số trong xã hội. Cải cách chính sách đất đai, tháo gỡ nút thắt về hạn điền…
"Quý vị nói rất đúng rằng Việt Nam cần phải quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, nơi nắm giữ một nguồn vốn lớn của nền kinh tế nhưng việc sử dụng vốn chưa đem lại hiệu quả tương xứng, nhiều bất cập nơi đây"- Thủ tướng nói và cho biết, Chính phủ đang tiếp tục rà soát và hoàn thiện cơ chế sử dụng các nguồn tài nguyên, phân bổ vốn đầu tư công trên cơ sở nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế-xã hội.
Thứ hai, năng suất lao động là một cơ sở và động lực chính, không chỉ cho sự phát triển của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cho tăng trưởng kinh tế nói chung mà còn cải thiện thu nhập và phúc lợi của người dân. Để cải thiện năng suất lao động, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, nguồn lực xã hội đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động, giúp người lao động có thể phát triển sinh kế, làm chủ được sự nghiệp của bản thân, có động cơ làm việc tốt hơn, phát huy tối đa sức sáng tạo. Đây là vấn đề quan trọng, bao trùm.
Một vấn đề lớn mà Việt Nam rất quan tâm thực hiện theo lộ trình, đó là cải cách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động. Tăng cường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là lao động trong các khu công nghiệp tập trung.
Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất còn thấp, chiếm trên 42% lực lượng lao động, sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn nhằm nâng cao hơn, bền vững hơn năng suất tổng thể quốc gia, hướng tới một nền sản xuất đem lại giá trị nhiều hơn với nguồn lực ít hơn. "Đúng như quý vị đã nêu, nông nghiệp Việt Nam tiềm năng lớn nhưng năng suất thấp là một vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu bao gồm những giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là phát triển nông nghiệp chất lượng cao"- Thủ tướng nói.
Thứ ba, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp TFP là nhiệm vụ đang được Chính phủ quan tâm với việc tăng cường đầu tư cho khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kết nối thông minh, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế. Trên nền tảng nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp TFP, Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Thứ tư, để nâng cao năng suất thành công, Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế trên tinh thần phát huy nội lực, vượt qua thách thức, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với EU và RCEP.
Thứ năm, để có thể thực hiện hiệu quả những biện pháp đòn bẩy tăng năng suất nêu trên, Chính phủ sẽ kiên định giữ vững ổn định chính trị-xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phát huy dân chủ cho mọi người dân, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, quyết tâm thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Đánh giá cao các ý kiến, sáng kiến của Diễn đàn VDF 2017, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan tiếp thu và cụ thể hóa trong nội dung kế hoạch hành động của Chính phủ về thúc đẩy tăng năng suất trong thời gian tới.
Cách thức tăng trưởng cũ không còn phù hợp
VDF 2017 với mục đích phân tích thực trạng và các trở ngại cho việc tăng năng suất tại Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng năng suất, một trong các giải pháp lâu dài cho Việt Nam phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bắt kịp các nền kinh tế phát triển.
Diễn đàn gồm 2 phiên, Phiên 1 với chủ đề "Tăng trưởng năng suất - xu thế toàn cầu và thách thức tại Việt Nam" sẽ thảo luận tổng quan về các vấn đề liên quan đến tăng năng suất, những vấn đề cơ bản về tăng năng suất trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam. Phiên 2 với chủ đề "Giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam". Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế sẽ đi sâu vào trình bày các giải pháp tăng năng suất trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế của Việt Nam...
Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ có bài phát biểu trước khi Diễn đàn bế mạc.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, tăng năng suất mới chính là chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là lý do vì sao, VDF 2017 chọn chủ đề "Tăng năng suất - đòn bẩy cho phát triển bền vững".
Quan ngại xu hướng mức tăng trưởng năng suất yếu
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione nhấn mạnh tăng năng suất là vấn đề tối quan trọng đối với phát triển trung hạn của Việt Nam để đạt mục tiêu nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Dù đạt được nhiều thành tựu thời gian qua về phát triển kinh tế song hiện đang tồn tại quan ngại về xu hướng đạt mức tăng trưởng năng suất yếu. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay là 4%, thấp hơn so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc khi hai nước này ở cùng mức phát triển như Việt Nam. Mức tăng trưởng năng suất hiện nay khó có khả năng giúp Việt Nam có được mức tăng trưởng nhanh và bền vững, giúp Việt Nam theo được con đường phát triển như Hàn Quốc, Singapore.
Ông cho rằng những cải thiện về hiệu suất cần phải được đưa ra ở các ngành riêng rẽ cũng như liên ngành, đòi hỏi phải có thể chế thị trường hiệu quả.
Nhấn mạnh 4 lĩnh vực mà diễn đàn tập trung thảo luận về chủ đề tăng năng suất, ở lĩnh vực đầu tiên, ông Dione đánh giá: "Còn rất nhiều dư địa để Việt Nam tăng hiệu suất trong các ngành kinh tế, nâng cao hiệu suất năng lượng trong công nghiệp, nâng cao đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nông nghiệp và phát triển doanh nông, hệ thống giao thông logistic và kết nối hiệu quả hơn".
Theo ông Ousmane Dione, việc vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị đóng vai trò tối quan trọng để cải thiện năng suất, trong đó quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là ví dụ rất rõ ràng.
Bên cạnh đó, những liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng đóng vai trò rất quan trọng để Việt Nam có thể vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng suất ở Việt Nam.
Tăng năng suất đóng góp 89% tăng trưởng
Tăng trưởng bền vững hiện là thách thức lớn với Việt Nam, bởi là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao, song tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã và đang giảm khá nhanh: từ 7,3% trong giai đoạn 1990 - 2000, xuống 6,7% (2001 - 2010) và tiếp tục giảm xuống 5,96% (2011 - 2016). Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra rằng, nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 6%/năm, thì phải gần 20 năm nữa, Việt Nam mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người gần bằng mức mà Malaysia đã đạt trong năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan.
Năng suất lao động của Việt Nam dù đã được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và thấp so với nhu cầu phát triển. Năm 2017, năng suất lao động của toàn nền kinh tế đã tăng 5,87%, cao hơn mức tăng 5,29% của năm 2016, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, tăng năng suất lao động đang ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Minh chứng là yếu tố này đã đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017, cao hơn khá nhiều so với mức 66,3% giai đoạn 1990 - 2000 và 61,9% giai đoạn 2000 - 2012.
Bình luận (0)