xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lấp khoảng trống an sinh

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Cả nước hiện có trên 14 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, song đến nay mới có khoảng 6,1 triệu người có lương hưu, hưởng trợ cấp hằng tháng khác

Mới đây, tại Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng.

Hơn 8 triệu người không có lương hưu, trợ cấp

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, đến năm 2025, đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5%. 

Chiến lược cũng đặt mục tiêu có 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (năm 2030 là 60%); 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, năm 2030 là 45%; hơn 95% dân số tham gia BHYT (năm 2030 trên 97%).

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành BHXH, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết hiện cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH (đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi), trong đó hơn 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện (3,92%), vượt 1,42% mục tiêu đến năm 2025; 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP Hội An, tỉnh Quảng Nam

Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP Hội An, tỉnh Quảng Nam

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam), song đến nay mới có khoảng 6,1 triệu người có lương hưu, hưởng trợ cấp hằng tháng. Hiện cả nước có khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với mức bình quân 5,4 triệu đồng; hơn 1 triệu người hưởng trợ cấp người có công; 1,8 triệu người hưởng trợ giúp xã hội cho người cao tuổi với mức 360.000 đồng/tháng.

Nhiều chuyên gia cho rằng với hơn 8 triệu người không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng, là khoảng trống chính sách cần được quan tâm. Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, cần có những giải pháp căn bản về chính sách và công tác tổ chức thực hiện. Đến nay, cả nước còn hàng chục triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 60%) chưa tham gia BHXH. Trong khi đó, chính sách BHXH tự nguyện cho lao động khu vực phi chính thức mới giới hạn ở 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, chưa thật sự hấp dẫn người lao động (NLĐ).

Hướng đến mục tiêu toàn dân

Theo các chuyên gia an sinh, có lương hưu khi về già là mong ước của rất nhiều người nhưng vẫn có không ít người thiếu kiên trì để đạt được. Nhằm hướng đến việc mọi người cao tuổi sau khi nghỉ hưu đều được hưởng lương hưu, BHXH và trợ cấp hằng tháng, cần tăng độ bao phủ BHXH. Xu hướng tại các nước trên thế giới quy định ai có thu nhập thì đều tham gia BHXH. Vì thế, nếu tăng cường quản lý được thu nhập thì sẽ có nhiều người tham gia BHXH, như vậy càng có nhiều sự chia sẻ hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài nguồn lực của nhà nước cũng cần tính đến các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ đóng cho những đối tượng chưa có điều kiện tham gia; phải mở rộng đối tượng đối với khu vực không chính thức để hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân. "Trong chiến lược phát triển BHXH thời gian tới cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, giải pháp mở rộng đối tượng, dần tiến đến toàn bộ người có việc làm, có tiền lương, tiền công, thu nhập đều tham gia BHXH bắt buộc" - một chuyên gia an sinh nhấn mạnh.

Một số ý kiến cho rằng hiện quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật - Tổng LĐLĐ Việt Nam, muốn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều NLĐ tiếp cận với lương hưu hơn chỉ có cách giảm điều kiện đóng BHXH. Bởi để hưởng chế độ hưu trí, có 2 điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian đóng BHXH. Khi được tiếp cận chế độ hưu trí, tỉ lệ rút BHXH một lần của NLĐ sẽ giảm.

"Bên cạnh việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng và mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút và giữ chân NLĐ trong hệ thống BHXH để được hưởng lương hưu là hết sức quan trọng" - ông Quảng phân tích. 

Giảm tuổi hưởng

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất giảm 5 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội so với hiện hành. Theo đó, dự thảo quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác, sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Quy định này thể chế hóa chủ trương Nghị quyết 28, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu trung ương giao đến năm 2030, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Bên cạnh đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, một điểm mới nữa trong dự thảo luật là bổ sung tầng hưởng trợ cấp hằng tháng do quỹ BHXH chi trả.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo