Sau khi phương án giảm giá vé chính thức được áp dụng tại trạm thu phí BOT Nam Bình Định (1-1) thì không những chủ phương tiện mà chính quyền địa phương cũng "ngã ngửa", chưng hửng vì nó không giống những gì đã thỏa thuận giữa các bên: Cục Quản lý đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), UBND tỉnh Bình Định và chủ đầu tư là Công ty TNHH BOT Bình Định, đã công bố trước đó.
Thay vì giảm 10.000 đồng cho tất cả các phương tiện loại 1 khi lưu thông qua đây thì giờ chỉ giảm 5.000 đồng. Công ty TNHH BOT Bình Định cho rằng đây là phương án chính thức từ Bộ GTVT nên "Trạm không thể làm khác được".
Và cứ thế mà thu, hay nói đúng hơn là tận thu, mặc kệ mọi ý kiến phản đối từ người dân lẫn chính quyền, mặc sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của mặt đường, tiềm ẩn đầy rủi ro gây tai nạn cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông.
Có thể nói chưa có dự án BOT nào lại thách thức dư luận, tiền hậu bất nhất như Trạm thu phí BOT Nam Bình Định hiện nay.
Trạm thu phí BOT Nam Bình Định được đặt tại Km 1212+550 trên QL1 (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 - đoạn Km 1212+400 đến Km 1265 tỉnh Bình Định và Phú Yên - theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án Nâng cấp, cải tạo QL1 đoạn qua tỉnh Bình Định - Phú Yên là dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và vốn của nhà đầu tư theo hình thức BOT. Trong đó, đại diện cho phần vốn trái phiếu Chính phủ là Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh (gọi tắt là PMU đường Hồ Chí Minh).
Các mức phí thu tại trạm căn cứ vào Thông tư 192/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính và trạm chính thức thu phí hoàn vốn từ tháng 5-2016. Sau khi khai thác một thời gian rất ngắn, đoạn QL1 qua tỉnh Bình Định thuộc dự án này đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ông Dương Viết Roãn, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT, cho báo chí biết rằng sau khi kiểm tra hiện trường dự án mở rộng QL1 đoạn Km 1153 - Km 1212+400 vào cuối tháng 9-2016 đã đánh giá: "Phát hiện có nhiều vị trí mặt đường bê tông nhựa bị nứt vỡ, gây mất an toàn trong quá trình khai thác".
Đến tháng 11-2016, ông Dương Hồ Minh, Phó Tổng Giám đốc PMU Đường Hồ Chí Minh, trong lần làm việc với UBND tỉnh Bình Định và chủ đầu tư BOT Bình Định cũng đã nêu rõ những bất cập và tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng đoạn QL1 thuộc dự án. Ngay lúc đó ông Minh đề xuất và lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo nếu hai dự án này không khẩn trương hoàn thành việc khắc phục mặt đường thì sẽ dừng ngay việc thu phí hoàn vốn cho đến khi hoàn thành việc khắc phục.
Vậy mà, tình trạng mặt đường đoạn QL1 thuộc dự án này vẫn y như cũ, có phần ngày càng nghiêm trọng hơn và càng không có chuyện tạm ngừng thu phí để sửa chữa.
Chỉ đến khi các tài xế phản đối bằng cách sử dụng tiền mệnh giá nhỏ khi mua vé qua trạm, cũng như khi các cơ quan báo chí vào cuộc thì Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định và chủ đầu tư mới trình phương án xin giảm giá vé chung cho các loại phương tiện cũng như các phương tiện xung quanh khu vực đặt trạm thu phí nhưng phương án giảm giá vé chính thức không đúng như với thông báo đã thỏa thuận trước đó.
Đến đây cần đặt câu hỏi: Tại sao dự án BOT này lại được nhiều ưu ái đến thế? Chưa nói đến sự vô lý khi đặt vị trí trên QL1 độc đạo, khoảng cách đặt trạm chưa hợp lý… thì cái cần phải nói ở đây là số tiền bỏ ra hoàn toàn không tương xứng với dịch vụ. Và trên hết là sự "nói một đằng làm một nẻo", coi thường dư luận, coi thường bức xúc của lãnh đạo địa phương...
Hy vọng câu trả lời sẽ sớm được Bộ GTVT công bố.
Bình luận (0)