Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân ngày trở về
Sau hơn 10 năm ngồi tù, được trả tự do về nhà, chiều 4-11, giây phút đầu tiên bước vào căn nhà quen thuộc, ông Chấn xúc động, không thốt nên lời. Đôi mắt ông nhắm nghiền mệt mỏi.
Nhìn lại những vật dụng quen thuộc trong căn nhà từng gắn bó, ông thốt lên: “Mọi thứ vẫn vậy!”. 10 năm rồi, tất cả đều tồi tàn, cũ nát. Nền xi măng loang lổ, bộ bàn ghế cũ, giường cũ với tấm chiếu thủng nát...
Giữa nhà, bàn thờ với tấm bằng chứng nhận Tổ quốc ghi công người cha ông là liệt sĩ Nguyễn Hữu Phấn đã vỡ kính từ lâu mà chưa được thay.
Tấm bằng chứng nhận Tổ quốc ghi công bố ông Chấn đã vỡ kính từ lâu mà chưa được thay
Lẽ ra, sau 10 năm cuộc sống đã phải khác. Song từ khi ông Chấn vào tù, cuộc sống của cả gia đình đã bị đảo lộn.
Bà Phạm Thị Đạo (dì ruột ông Chấn) cho biết bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đã phải điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 năm nay do nghĩ ngợi quá nhiều. Ngay sau khi chồng bị kết án chung thân về tội giết người vào năm 2004, với niềm tin sắt đá là chồng vô tội, bà Nguyễn Thị Chiến đã bỏ toàn bộ thời gian, công sức của mình để kêu oan cho chồng.
Chiếc giường cũ nát 10 năm vẫn vậy
“Đằng đẵng cả chục năm đi kêu oan cho chồng, Chiến đã phát điên và phải điều trị thường xuyên tại Bệnh viện thần kinh trung ương. Bây giờ ngày nào nó cũng phải uống thuốc” - bà Đạo rưng rưng kể.
Có mặt tại buổi công bố quyết định trả tự do cho ông Chấn tại trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc), bà Chiến đã ngất xỉu. Về đến nhà, bà Chiến lại ngất đi vì thần kinh của bà đã yếu đi nhiều sau 1 lần bị đột quỵ và điều trị thuốc thang lâu dài. Đi đón chồng về nhà lần này, bà Chiến cũng phải cầm theo cả túi thuốc bên mình.
Còn bà Nguyễn Thị Định (chị gái ông Chấn) kể, tất cả họ hàng từ trên trở xuống anh em, hai bên đều suy sụp. Các cháu đi học thì bạn bè có những người kỳ thị, còn nói: “Ê, con nhà giết người!” và không chịu ngồi cạnh.
Ông Chấn có 4 người con: Nguyễn Chí Quyết, Nguyễn Thị Quyền, Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thế Anh thì cuối cùng lần lượt đã bỏ học vì không chịu nổi “búa rìu” dư luận.
Con gái lớn của ông Chấn là Nguyễn Thị Quyền (SN 1984) quyết tâm ra đi, sang Đài Loan theo diện xuất khẩu lao động kiếm tiền được 4 năm rồi. Chị nói: “Bố không về được thì con không về nước, không bao giờ nghĩ lấy chồng”.
Người thân, bà con lối xóm ngậm ngùi ôn lại nỗi khổ của gia đình ông Chấn
Anh Nguyễn Chí Quyết, con trai cả, lấy vợ, sinh được 2 cháu trai. Chị Nguyễn Thị Thu cũng mới lấy chồng và có 1 con trai. Ra tù, có các cháu là niềm an ủi đối với gia đình, với ông Chấn.
Khổ tâm nhất là bà Vì, mẹ của ông Chấn, vẫn phải hàng ngày trông coi quán tạp hóa. Tuổi đã cao song bà vẫn thường xuyên bị chửi bới, miệt thị vì có con giết người.
Ông Chấn bùi ngùi cho biết ở trong tù, thỉnh thoảng nghe tin ở nhà khiến ông thấy như đứt từng khúc ruột. Ông đã 2 lần tự sát song bất thành.
“Hơn 10 năm trong tù tôi chỉ kêu oan. Cứ ngủ thì thôi, thức lúc nào là tôi kêu oan lúc đó. Nhiều lần cứ nghĩ là thôi buông xuôi bỏ mặc lại vợ con và mẹ nhưng không chết được. Trong tù tôi vẫn khấn tâm linh bố tôi để mong được minh oan” - ngồi trong ngôi nhà cũ nát, nhìn lên ban thờ người cha liệt sĩ, ông Chấn kể trong nước mắt.
Bình luận (0)