Đằng sau làn sóng vàng ồ ạt "hồi hương"

(NLĐO) - Trước xu hướng phi USD hóa và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nhiều nước đang tăng cường đưa vàng dự trữ tại nước ngoài trở về để giữ an toàn trong nước.

Tờ Financial Times (Anh) cho biết không lâu sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra (tháng 2-2022), Liên minh châu Âu, Mỹ và một số nước phát triển hàng đầu thế giới khác thông báo biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga, đồng thời ngăn ngân hàng này tiếp cận khoảng 300 tỉ USD ngoại hối và vàng dự trữ ở nước ngoài.

Tài sản trú ẩn an toàn

Giờ đây, ngày càng có nhiều nước cho "hồi hương" dự trữ vàng từ nước ngoài và xem đây là một biện pháp phòng vệ trước những rủi ro tương tự đòn trừng phạt nói trên của phương Tây. Đây là thông tin được đưa ra theo sau cuộc khảo sát được Công ty Quản lý đầu tư Invesco (Mỹ) tiến hành với 85 quỹ đầu tư quốc gia và 57 ngân hàng trung ương. Theo trang Bloomberg, 142 tổ chức này hiện quản lý khối tài sản có tổng giá trị 21.000 tỉ USD. Cuộc khảo sát diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3-2023.

Đằng sau làn sóng vàng ồ ạt hồi hương - Ảnh 1.

Một hầm trữ vàng tại Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York (Mỹ)

Đằng sau làn sóng vàng ồ ạt hồi hương - Ảnh 2.

Các thỏi vàng tại một nhà máy ở TP Krasnoyarsk - Nga. Ảnh: Reuters

Theo Invesco, sự biến động của thị trường tài chính hồi năm ngoái gây thiệt hại đáng kể cho các nhà quản lý quỹ đầu tư quốc gia và họ đang cân nhắc lại chiến lược vì tin rằng lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị còn tiếp diễn trong thời gian tới. 

Kết quả khảo sát cho thấy hơn 85% tổ chức cho rằng lạm phát trong thập kỷ tới sẽ cao hơn thập kỷ trước. Vàng và trái phiếu của các thị trường mới nổi được xem là những khoản đầu tư tốt trong môi trường như thế. Dù vậy, đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào dự trữ vàng và ngoại hối của Nga ở nước ngoài dường như đã dẫn tới làn sóng thay đổi. 

Theo khảo sát, nhiều ngân hàng trung ương lo ngại tiền lệ có thể đã được thiết lập và tài sản của họ ở nước ngoài có thể bị đóng băng tương tự như những gì xảy ra với Nga.  Đại diện một ngân hàng trung ương giấu tên cho biết: "Chúng tôi đã giữ vàng ở London (Anh)... nhưng giờ chúng tôi đã chuyển nó về nước để giữ nó an toàn. Vai trò của nó giờ đây là tài sản trú ẩn an toàn."

Phi USD hóa

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) hồi tháng 2-2023, các ngân hàng trung ương khắp thế giới đã mua tổng cộng 1.136 tấn vàng năm ngoái (cao nhất trong 55 năm). Đây cũng là năm thứ 12 liên tiếp con số này gia tăng, qua đó góp phần thúc đẩy nhu cầu vàng tăng lên mức cao kỷ lục (4.741 tấn) năm 2022.

Trong khi đó, khảo sát của Invesco cho biết các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua lượng vàng nhiều kỷ lục trong năm 2022 và quý I/2023, xem đây là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát cao và giá trái phiếu biến động. Trong số này, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm gần 20% lượng vàng mua vào. Trong số những nước mua nhiều vàng còn có Singapore, Ấn Độ và một số nước Trung Đông. 

Đằng sau làn sóng vàng ồ ạt hồi hương - Ảnh 4.

Bên trong một trong những hầm trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Anh. Ảnh: Ngân hàng Trung ương Anh

Không dừng lại ở đó, khảo sát của Invesco cho thấy 41% tổ chức được hỏi dự kiến tăng dự trữ vàng trong 3 năm tới. Dù vậy, cuộc khảo sát cũng ghi nhận nhiều tổ chức dường như không còn muốn lưu giữ tài sản vàng ở nước ngoài. Cụ thể, 68% tổ chức tham gia khảo sát cho biết đang giữ dự trữ vàng trong nước, so với mức 50% năm 2020. Con số này dự kiến tăng lên 74% trong 5 năm tới. 

Nỗi lo địa chính trị, cộng với cơ hội tại các thị trường mới nổi, cũng đang thúc đẩy sự chuyển hướng liên quan đến đồng USD, theo khảo sát của Invesco. Đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới kể từ Thế chiến II, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga thúc đẩy một số nước tìm kiếm tiền tệ dự phòng cho hoạt động thương mại.

Cũng theo khảo sát, 7% tổ chức tin rằng nợ gia tăng của Mỹ cũng tác động tiêu cực lên đồng USD. Dù vậy, các ngân hàng trung ương nhìn chung nhất trí rằng hiện chưa đồng tiền nào đủ sức thay USD đóng vai trò là đồng tiền dự trữ thống trị. Đáng chú ý, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không được xem là câu trả lời trong ngắn hạn. Chỉ có 18% ngân hàng cho rằng đồng nhân dân tệ sẽ trở thành "đồng tiền dự trữ thật sự" trong 5 năm tới, giảm so với mức 29% năm ngoái.

Cũng theo khảo sát của Invesco, gần 80% trong số 142 tổ chức đánh giá căng thẳng địa chính trị là rủi ro lớn nhất trong thập kỷ tới. Trong khi đó, 83% cho rằng lạm phát là mối lo ngại trong 12 tháng tới.