Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bán nhà để khởi nghiệp, tặng ôtô cho nhân viên

(NLĐO) - Từ một người mất việc ở tuổi 35, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc đã xây dựng nhà máy khuôn mẫu chính xác, trở thành đối tác của nhiều hãng ôtô Mỹ như Tesla, Ford, GM, Toyota...

Sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí của Trường Trung học Kỹ thuật Việt - Đức (nay là Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) vào năm 1976, ông Nguyễn Văn Trí đầu quân cho Công ty Máy Nông nghiệp Miền Nam (Vikyno). Sống ở TP HCM, công ty đóng ở Biên Hòa (Đồng Nai), mỗi ngày mất 3 giờ đi làm bằng xe buýt nhưng ông không thấy phiền hay mệt mỏi mà cho rằng đó là... điều tốt.

Vốn liếng tích lũy trên những chuyến xe buýt

Suốt 18 năm làm việc ở Vikyno, trên những chuyến xe buýt đi - về, ông Trí tự mày mò, nghiên cứu đủ loại sách liên quan cơ khí. "Nếu biết tận dụng thời gian thì chẳng có gì là nhàm chán. Mỗi ngày như thế, tôi đã học được rất nhiều thứ" - ông Trí nói.

Cũng nhờ vậy mà năm 1987, khi công ty gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động, thay vì lo lắng, ông Trí sẵn sàng xin nghỉ việc vào tuổi 35 để nhường "sân" cho lớp trẻ.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bán nhà để khởi nghiệp, tặng ôtô cho nhân viên - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Trí cho biết một phần thành công của công ty là nhờ tái đầu tư rất lớn vào thiết bị cơ khí

Ông kể khi ở công ty cũ, ông được làm việc trực tiếp với chuyên gia kỹ thuật người Nhật nên học hỏi được rất nhiều điều, nhất là tác phong công nghiệp. Sau giờ làm việc ở công ty, ông còn nhận sửa chữa khuôn mẫu nhựa gia dụng cho những gia đình người Hoa ở gần nhà. Với vốn kiến thức tự học và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm làm việc, ông tự hỏi vì sao không thử khởi nghiệp từ nghề gia công khuôn mẫu cơ khí chính xác?

Lúc bấy giờ, người Hoa chiếm lĩnh thị trường sản xuất khuôn mẫu đồ gia dụng. Nhận thấy nếu không sở hữu máy móc công nghệ cao thì rất khó cạnh tranh, ông Trí chấp nhận vay mượn không ít tiền của bạn bè, người thân để đầu tư. Thậm chí, ông đã bán căn nhà diện tích 80 m2 ở đường Hòa Hưng (quận 10, TP HCM) nhưng chỉ đủ tiền mua ¼ chiếc máy.

"Người ta nói, mỗi người có 8 giờ để ngủ, 8 giờ làm việc và 8 giờ để chơi nhưng có lẽ tôi hơi khác. Tôi có 16 giờ làm việc. Chơi đối với tôi chính là tìm ra được sáng kiến hay giúp công việc trôi chảy hơn..." - ông Nguyễn Văn Trí trải lòng.

Năm 1993, ông gom góp tiền nhập về một chiếc máy phay CNC từ Đài Loan (Trung Quốc) rồi quyết định chọn gia công khuôn sản xuất đồng hồ, quạt máy. Gimiko - một trong những thương hiệu đồng hồ treo tường nổi tiếng của Việt Nam - khi ấy đã đặt hàng làm khuôn. Dần dần chỉ sau 3 năm, ông đã trả hết số nợ vay ban đầu.

Bước ngoặt đáng nhớ nhất là năm 2005, công ty của ông được vay 6 tỉ đồng từ nguồn vốn kích cầu của TP HCM để phát triển sản xuất. Với nguồn vốn này, ông Trí mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất khuôn mẫu của châu Âu, chủ yếu là từ Thụy Sĩ, nhằm hiện đại hóa dây chuyền sản xuất với chi phí 2 triệu USD.

Biết giữ chân, cũng biết "buông tay"

Ông Trí cho biết nhờ liên tục đổi mới công nghệ, công ty đã mạnh dạn chuyển hướng cung cấp sản phẩm cho hàng loạt thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như Colgate, Whirlpool, Sanyo, Fujikura, Omron... Đặc biệt, công ty còn cung cấp khuôn chính xác cho nhiều hãng ôtô Mỹ như Tesla, Ford, GM, Toyota... Sau gần 30 năm hoạt động, xưởng cơ khí nhỏ đã trở thành công ty với doanh thu xuất khẩu 4 triệu USD/năm.

Giống các doanh nghiệp khác, làm cách nào giữ chân người lao động, để họ gắn bó, cống hiến cũng là bài toán đau đầu của doanh nhân Nguyễn Văn Trí. Ông nói: "Tất cả mọi người đều phải cố gắng". Nhưng muốn họ cố gắng, bản thân ông phải lèo lái doanh nghiệp, nỗ lực đem lại cho họ mức thu nhập và sự động viên tốt nhất có thể.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bán nhà để khởi nghiệp, tặng ôtô cho nhân viên - Ảnh 3.

Với thu nhập lên đến 40 triệu đồng/tháng, không ít người lao động của Công ty TNHH Lập Phúc đã an cư lạc nghiệp ở TP HCM

180 lao động tại công ty đều có thu nhập từ mức khá trở lên, khoảng 10-40 triệu đồng/tháng, tùy vị trí công việc. Từ đơn giá sản phẩm đến chế độ tiền lương, phúc lợi đều được dán công khai tại nhà ăn để người lao động có thể tự tính toán xem công sức bỏ ra có xứng đáng với tiền lương nhận được hay không. Điều đặc biệt là khoảng 30% người lao động tại đây đã "an cư lạc nghiệp" khi mua được nhà tại TP HCM, điều mà không phải người lao động ở công ty nào cũng có được.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bán nhà để khởi nghiệp, tặng ôtô cho nhân viên - Ảnh 4.

Công nhân làm việc trong môi trường an toàn, hiện đại

Với suy nghĩ "vốn có thể vay và trả được nhưng người lao động thì khó tìm", từ năm 2018, ông chủ Công ty TNHH Lập Phúc mạnh tay móc hầu bao thưởng ôtô cho nhân viên có cống hiến, giá trị mỗi chiếc xe từ 700 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng. "Khi nhận được ôtô, tôi không chỉ bất ngờ, xúc động mà còn cảm thấy rất vinh dự khi ban giám đốc đánh giá cao những cống hiến của mình" - anh Võ Thanh Liêm, Trưởng phòng Kỹ thuật 6, một trong số những người nhận thưởng là chiếc ôtô cách đây 4 năm, bày tỏ.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bán nhà để khởi nghiệp, tặng ôtô cho nhân viên - Ảnh 5.

Suất ăn cho người lao động (35.000 đồng/suất) của Công ty TNHH Lập Phúc

Tuy vậy, cũng không tránh được những thời điểm người lao động rời bỏ doanh nghiệp. Ông Trí nhớ lại cách đây 10 năm, một công ty sản xuất khuôn mẫu chính xác có vốn nước ngoài sau khi thành lập đã "lôi kéo" 15 lao động của Công ty TNHH Lập Phúc với lời hứa trả lương gấp đôi. Dẫu buồn, ông Trí vẫn chấp nhận "buông tay". "Có một thực tế rằng dù mình cố gắng đối đãi tốt nhất với người lao động nhưng không phải tất cả đều gắn bó lâu dài. Vì lý do nào đó mà họ quyết định ra đi thì mình phải chấp nhận, không gây khó dễ" - ông Trí bày tỏ.

Tài sản ngàn tỉ đồng cũng chẳng để làm gì!

Ông chủ cơ khí Lập Phúc cho hay trong ngành này, không phải cứ "tiền nào" là đi với "của nấy". Khách hàng đòi chất lượng quốc tế nhưng giá phải rẻ hơn so với doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu giá bằng hay cao hơn phía Trung Quốc là doanh nghiệp mất khách hàng.

"Bên cạnh đó, để thâm nhập chuỗi cung ứng, khách hàng còn quan tâm yếu tố phát triển bền vững của công ty. Trước khi quyết định đặt hàng lâu dài, họ thường đánh giá công ty tồn tại có bền vững không. Nếu đặt khuôn sản xuất sau vài năm hư hỏng, cần sửa chữa mà công ty đã giải thể thì cái khuôn đó chỉ đem bỏ thôi" - ông Trí giải thích.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bán nhà để khởi nghiệp, tặng ôtô cho nhân viên - Ảnh 7.

Là ông chủ của nhà máy triệu USD nhưng ông Trí vẫn ăn cơm ngày 3 bữa ở công ty, bản thân "không có nhu cầu tiêu tiền" và tiền kiếm được đều để tái đầu tư vào nhà máy

Ông Trí không giấu tham vọng muốn trở thành đơn vị gia công chủ lực cho các doanh nghiệp cơ khí lớn trên thế giới, chuyên cung cấp sản phẩm cơ khí chính xác. Hiện hợp đồng xuất khẩu của công ty đều thông các công ty cơ khí quốc tế làm trung gian, trong đó chủ yếu là hợp đồng từ Mỹ.

Cơ hội cho Lập Phúc là rất rộng mở khi doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chính xác của Mỹ không có người kế thừa, công nhân lành nghề đã đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, người Mỹ trẻ tuổi không muốn đi theo nghề cơ khí nặng nhọc này. Bởi vậy, các công ty cơ khí của Mỹ hầu hết sẽ nhận hợp đồng rồi chuyển giao cho công ty thầu phụ.

Những ông bà chủ “kỳ lạ”: Bán nhà để khởi nghiệp, tặng ôtô cho nhân viên - Ảnh 8.

Công ty TNHH Lập Phúc muốn trở thành đơn vị gia công chủ lực cho các doanh nghiệp cơ khí lớn trên thế giới

Say mê phát triển công ty nhưng ông Trí tâm sự ông không có quan điểm kiếm nhiều tiền bởi nhu cầu chi tiêu mỗi ngày không cần quá nhiều. "Kiếm tiền để có tài sản ngàn tỉ cũng chẳng để làm gì nên tôi chủ yếu sống vì nghề và muốn lan tỏa nghề này cho xã hội" - ông Trí bộc bạch.

Những khi rảnh rỗi, ông Trí thường xuống các xưởng quan sát công nhân và sinh viên thực tập làm việc. Xuất thân từ công nhân làm trực tiếp nên hơn ai hết, ông hiểu rằng chỉ có giỏi nghề thì người thợ mới trụ vững lâu dài, có việc làm và thu nhập ổn định. Ông tận tâm chỉ ra từng khiếm khuyết để công nhân, sinh viên thực tập ngày càng tiến bộ.

"Tôi thấy nghề này phù hợp với người dân mình và nếu nỗ lực có thể vươn lên "tốp" đầu của thế giới. Vì vậy, chúng tôi liên kết với các trường để sinh viên đến thực tập. Tôi cũng không giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình" - ông chủ Lập Phúc nói.

Truyền nghề cho 4 con trai

Đã ở tuổi 64 nhưng ông Nguyễn Văn Trí vẫn di chuyển nhanh nhẹn giữa các xưởng, nhìn sơ qua bản vẽ đã chỉ ra chi tiết chưa hợp lý. Tuy vậy, ông cũng sớm chuẩn bị lực lượng kế thừa khi đưa các con trai vào xưởng để làm quen với máy móc, thiết bị từ lúc còn là những chú nhóc.

ong Tri 1

Cả 4 con trai của ông đều theo học ngành cơ khí tại Mỹ rồi trở về nước. Hiện người con trai cả phụ trách bộ phận khách hàng của công ty, con trai thứ ba phụ trách công nghệ thông tin và con trai út phụ trách xưởng sản xuất. Riêng người con trai thứ 2 sau 2 năm làm việc và xây dựng dây chuyền cán thép hiện đại cho công ty đã trở lại Mỹ để giảng dạy.

"Đến ngày phải lui về nghỉ ngơi, tôi sẽ không phải lo lý tưởng, tâm huyết cả đời mình không có người kế thừa" - vị giám đốc nói.