Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Chiêu trò đầu tư ra nước ngoài (Kỳ 3)

(NLĐO) - Hàng ngàn tỉ đồng tại một số công ty trong nước bỗng nhiên “bốc hơi” với nghi vấn rửa tiền; lãnh đạo doanh nghiệp giải thích là để... đầu tư ra nước ngoài.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ, chỉ ra thực tế nhiều luật sư Mỹ đã tư vấn, giúp doanh nghiệp (DN), cá nhân Việt Nam thực hiện quy trình đầu tư, mua tài sản hợp pháp ở Mỹ nhằm đạt mục đích lấy thẻ xanh (định cư) hoặc rửa "sạch" nguồn tiền bất minh.

Đầu tư dự án công nghệ cao ở Mỹ?

Báo cáo tài chính mới công bố của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo thể hiện một chi tiết đáng lưu tâm là khoản phải thu khác tăng mạnh từ 2.046 tỉ đồng vào cuối năm 2021 lên 3.947 tỉ đồng tính tới cuối quý II/2022. Trong đó, có 1.937 tỉ đồng chi tạm ứng cho bà Maya Dangelas (tên mới của bà Đặng Thị Hoàng Yến, đang định cư tại Mỹ) - Chủ tịch HĐQT công ty - để tham gia các dự án đầu tư ở Mỹ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, trên website của công ty này xuất hiện thông tin đính chính về con số chi tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến do "báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 đã công bố ngày 29-7 trình bày sai chỉ tiêu do hạch toán sai". Cụ thể, công ty này chi tạm ứng cho bà Yến chỉ là 633 tỉ đồng.

Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Chiêu trò đầu tư ra nước ngoài (Kỳ 3) - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, được cho là đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng sang Mỹ

Tại Đại hội cổ đông mới đây, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết bên cạnh hoạt động kinh doanh trong nước, công ty đã mở rộng đầu tư khu công nghệ cao tại Mỹ từ nhiều năm trước và năm nay bắt đầu thu kết quả. Công ty đã ký hợp đồng 25 triệu USD với đối tác quốc tế, mở ra sự phát triển đa ngành, từ khu công nghiệp, thành phố tri thức đến phát triển các dự án mới tại Việt Nam và Mỹ.

Một trong những đối tác liên doanh của công ty là Đại học Stanford tại thung lũng Silicon với mục tiêu phát triển khu công nghệ cao tại vị trí đắc địa. Phía bà Đặng Thị Hoàng Yến thông tin đây là dự án đầu tiên thuộc loại này được bang California cấp giấy phép để sản xuất tinh chất thuốc chữa bệnh, sản phẩm phục vụ sức khoẻ, ăn uống, giải khát, mỹ phẩm.

Nghi vấn chuyển tiền "bẩn" sang Lào

Tại vụ án gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Trần Duy Tùng (đang bị truy nã) - con trai ông Trần Bắc Hà - bị cáo buộc chuyển 10,4 triệu USD ra nước ngoài, có dấu hiệu của tội "Rửa tiền".

Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Chiêu trò đầu tư ra nước ngoài (Kỳ 3) - Ảnh 2.

Trần Duy Tùng (bìa trái) - con trai ông Trần Bắc Hà - bị cáo buộc chuyển 10,4 triệu USD ra nước ngoài

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Trần Duy Tùng nhờ Trần Quang Anh, Thái Thành Vinh đứng tên và tham gia góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn An Phú của Tùng. Công ty này được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài để thành lập liên doanh Công ty SHH Viêng Chăn, vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng.

Từ năm 2013-2015, Tùng và Vinh đã nộp 10,4 triệu USD tiền mặt vào tài khoản của Vinh mở tại Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LaoVietBank). Sau đó, 10 triệu USD từ tài khoản của Vinh đã được chuyển sang Công ty Outhid Houng Heang. Từ đây, Công ty Outhid Houng Heang thay mặt Công ty SHH Viêng Chăn chuyển 10 triệu USD góp vốn vào tài khoản của LaoVietBank, tương đương 10% vốn điều lệ.

Cáo trạng xác định việc Công ty CP Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài để góp vốn vào LaoVietBank thực chất là "che giấu hành vi đầu tư ra nước ngoài trái phép", qua đó hợp thức hóa 10,4 triệu USD tiền mặt mà Tùng và Vinh dùng để góp vốn vào ngân hàng này.

Toàn bộ cổ tức hơn 2,3 triệu USD (hơn 53 tỉ đồng) LaoVietBank trả cho Công ty SHH Viêng Chăn đã được Trần Duy Tùng đã quản lý và sử dụng cá nhân, không chuyển về nước theo quy định tại Luật đầu tư.

VKSND Tối cao cho rằng hành vi nộp trái phép 10,4 triệu USD của Tùng và Vinh có dấu hiệu của tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" hoặc "Rửa tiền" (nếu số tiền trên do phạm tội mà có hoặc thu lợi bất chính).

Lợi dụng chương trình EB5

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của DN Việt ngày càng tăng trong những năm gần đây. Hoạt động này không chỉ giúp DN thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn mà còn phát triển thương hiệu, thu nhận công nghệ cao... Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp các đối tượng lợi dụng kẽ hở để lập công ty "bình phong", từ đó chuyển tiền "bẩn" ra nước ngoài nhằm hợp thức hóa dòng tiền.

"Chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư là rất khó khăn chứ không hề dễ dàng. Không phải DN, cá nhân nào cũng đáp ứng được yêu cầu" - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Nguyễn Trí Hiếu nêu rõ quy định về việc chuyển tiền ra nước ngoài, nhất là chuyển tiền để đầu tư, hiện rất chặt chẽ với nhiều bước và nhiều quy trình phức tạp. Trước hết, cá nhân, DN phải xin phép Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Sau khi được Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước cấp phép chuyển tiền, đầu tư, DN hoặc cá nhân phải thực hiện các bước theo đúng quy định tại Luật Đầu tư và nghị định về đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, không phải cá nhân, DN nào cũng đáp ứng được yêu cầu của luật, nghị định và được Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước cấp phép đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài. Do vậy, không ít đối tượng đã tìm đến những con đường khác, chẳng hạn chương trình EB5 của Mỹ, để tẩu táng tiền phi pháp. Đây là chương trình dành cho nhà đầu tư nước ngoài với số tiền tối thiểu 500.000 USD nhằm tạo việc làm cho công dân Mỹ. Đổi lại, nhà đầu tư sẽ được cấp visa EB5; từ đó, có thể tiếp tục gửi tiền sang để mua, tạo lập bất động sản ở Mỹ.

Với hiểu biết trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay điều kiện một cá nhân có thể chuyển một số tiền lớn ra nước ngoài để mua tài sản hay đầu tư là khá ngặt nghèo. Do vậy, đã có trường hợp đầu tư theo con đường "không chính thống" để đạt mục đích riêng.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, quy trình xin visa EB5 và nhận thẻ xanh bao gồm các bước: chứng minh tài chính, chọn dự án và chuyển tiền, nộp hồ sơ, nhận kết quả, làm thủ tục xin visa... Một số luật sư Mỹ đã sang Việt Nam mở văn phòng luật để quảng bá cho chương trình EB5; nhận trợ giúp người Việt thực hiện những thủ tục trên nếu họ không qua được "cửa" chính thống.

"Những văn phòng luật sư hoặc đội ngũ môi giới này có thể hỗ trợ chuyển tiền qua quốc gia hay vùng lãnh thổ khác được đánh giá là "dễ tính", rồi từ đây tiếp tục chuyển sang Mỹ nhằm mục đích đầu tư, mua tài sản" - ông Hiếu thông tin.

Lỗ hổng không phải chứng minh nguồn gốc tiền

Luật sư Nguyễn Thành Luân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhấn mạnh thủ tục chuyển vốn ra nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư đã được quy định rất rõ ràng. Bên cạnh đó, để được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhà đầu tư cần đáp ứng nhiều điều kiện và phải qua quá trình thẩm tra, kiểm tra gắt gao. Tuy nhiên, vẫn có khoảng trống pháp luật để các đối tượng lợi dụng thành lập công ty để chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích rửa tiền. Một trong những lỗ hổng lớn là không có quy định chứng minh nguồn gốc số tiền đầu tư.

Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Chiêu trò đầu tư ra nước ngoài (Kỳ 3) - Ảnh 4.

Thiếu quy định chứng minh nguồn gốc tiền đầu tư, góp vốn có thể là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng rửa tiền - Đồ họa: A.THANH

Theo luật sư Nguyễn Thành Luân, các hoạt động góp vốn, chuyển nhượng vốn, thay đổi phần vốn góp hiện nay cũng tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền, nhất là khi hoạt động hậu kiểm kém hiệu quả. "Hiện chưa có cơ chế kiểm soát nguồn tiền dùng để góp vốn hoặc khi đã xảy ra sự việc liên quan đến góp vốn rồi mới tiến hành điều tra, làm rõ, cho thấy tính phòng ngừa, ngăn chặn là rất thấp" - luật sư Luân bình luận.

Cũng theo vị luật sư, từ khi Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực đến nay, những quy định liên quan đến thu thập, xử lý và chuyển giao, trao đổi thông tin về phòng chống rửa tiền chưa thể hiện rõ quy trình nghiệp vụ cơ bản. Trong đó, các quy định hiện hành chưa bao quát hết nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của đơn vị đầu mối là Ngân hàng Nhà nước, nhất là công tác giám sát, cảnh báo, trao đổi thông tin với các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống rửa tiền.

"Cần sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền theo hướng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về hoạt động phòng chống rửa tiền. Những quy định sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm không gây cản trở, phiền hà về thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm được yêu cầu giám sát hiệu quả" - luật sư Luân góp ý.

Chặn đứng thủ đoạn tinh vi

TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài để "rửa" trong những năm gần đây ngày càng nóng khi số vụ tăng dần và thủ đoạn tinh vi hơn. Để tăng cường quản lý, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến các giao dịch chuyển tiền qua biên giới là yêu cầu cấp bách.

"Có tình trạng ngân hàng, cán bộ ngân hàng nghi ngờ giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài của khách hàng là bất minh nhưng vì không muốn mất khách "sộp", không muốn mất quyền lợi nên đã cho qua" - TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

"Cần tục hoàn thiện các quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật DN, Luật Đầu tư... để tránh rủi ro tiền bẩn chảy ra nước ngoài dưới chiêu bài đầu tư. Đặc biệt, Chính phủ cần ban hành một nghị định quy định điều kiện cụ thể để kiểm soát việc đầu tư, góp vốn ra nước ngoài; nhất là quản lý chặt chẽ những tổ chức, đơn vị có khả năng hỗ trợ về thủ tục, quy trình cho người Việt đầu tư ra nước ngoài, ví dụ văn phòng luật sư, văn phòng đại diện quảng bá chương trình đầu tư ra nước ngoài..." - TS Nguyễn Trí Hiếu góp ý.

Vị chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng chỉ rõ Luật Phòng chống rửa tiền chỉ hữu hiệu khi những đối tượng được điều chỉnh bởi luật thực hiện quy định một cách nghiêm minh, nghiêm túc. "Có tình trạng ngân hàng, cán bộ ngân hàng nghi ngờ giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài của khách hàng là bất minh nhưng vì không muốn mất khách "sộp", không muốn mất quyền lợi nên đã cho qua. Chưa kể, có sự cấu kết giữa các đối tượng với cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các các dịch vụ thanh toán quốc tế để thu lợi" - vị chuyên gia dẫn chứng.

Từ đó, TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị cần có quy định bắt buộc ngân hàng thương mại báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi có khách hàng yêu cầu rút, chuyển số tiền lớn hoặc giao dịch có biểu hiện đáng ngờ.

Luật sư Nguyễn Thành Luân cho rằng cần có biện pháp giám sát chặt việc quản lý thành lập DN để phát hiện kịp thời trường hợp DN được lập ra chỉ nhằm mục đích rửa tiền.

Còn tiếp...