NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Để không còn lao động trẻ em
Cùng với sự phát triển kinh tế, một số vấn đề xã hội luôn tồn tại mà cộng đồng phải chung sức vượt qua, trong đó có lao động trẻ em
Theo kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021, do Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UNICEF phối hợp thực hiện, 6,6% trẻ từ 5-17 tuổi tham gia cả công việc gia đình lẫn các hoạt động kinh tế (gọi là lao động trẻ em).
Trẻ cần được bảo vệ
Với một quốc gia phần nhiều lao động làm nông nghiệp như nước ta, số lao động trẻ em này cũng mang tính chất rất riêng. Có thể chia lao động trẻ em ra thành 2 loại: tự nguyện và bị ép buộc.
Thực tế, trong nhiều gia đình ở nông thôn, trẻ em được giáo dục ra đồng hay làm nông rất sớm, thậm chí dưới 10 tuổi. Với môi trường lao động như vậy, hầu hết các em đều có tính tự giác, tự nguyện. Vì vậy, không thể đem luật ra để bắt các gia đình này không được để trẻ em làm việc. Với số lao động này, chúng ta cần vận động, tuyên truyền để các em được đi học, được quyền lợi BHYT…
Với những trẻ bị ép buộc từ chính cha mẹ hoặc bị những thành phần khác bắt lao động khi tuổi còn nhỏ, đây là vấn đề pháp luật và các tổ chức chính trị - xã hội cần vào cuộc. Trẻ em vốn có các quyền cơ bản như quyền được sống, phát triển, được bảo vệ... Khi đủ tuổi đi học, các em cần phải được học tập đầy đủ để phát triển toàn diện đến lúc trưởng thành.
Khi phải lao động trong lứa tuổi vị thành niên, các em sẽ gặp nhiều thiệt thòi hơn so với người trưởng thành. Khi đó, không những các quyền cơ bản bị hạn chế hoặc không được hưởng, các em còn bị xã hội, thậm chí bị bạn bè cùng trang lứa, kỳ thị.
Chúng ta đã đạt nhiều thành tựu trong công tác chăm lo cho trẻ em nhưng nước ta vẫn còn nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không được gia đình chăm sóc. Các em phải sống trong điều kiện thiếu thốn, lao động nặng nhọc.
Nhiều trẻ làm các công việc độc hại, mất vệ sinh còn phải chịu sự xa lánh, kỳ thị của một bộ phận cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý chưa vững vàng của các em. Một số em do bị xa lánh, trêu chọc đã dấn thân vào con đường phạm pháp và dính vào tệ nạn xã hội.
Cần cộng đồng chung tay
Ở các vùng có cơ sở hạ tầng thiếu thốn, sự chênh lệch về điều kiện kinh tế - xã hội với thành thị còn cao, việc trẻ em phải làm nông hay từ nông thôn đến thành phố lao động vẫn tiếp diễn.
Chúng ta vẫn đang cố gắng tăng mức sống ở nông thôn, ở các vùng sâu, vùng xa để giảm thiểu lao động trẻ em. Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa cứ đưa đời sống chung đi lên thì lao động trẻ em sẽ hết. Ngoài việc phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành chức năng, đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nước cùng sự ủng hộ của gia đình các em, chúng ta còn cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Trẻ em là tương lai của đất nước. Vì vậy, chúng ta phải giúp những trẻ không may phải lao động sớm được phát triển toàn diện cả về trí lực, thể lực và tâm lý; giúp các em hòa nhập với cộng đồng, nhận được sự ủng hộ từ xã hội.
Với trẻ ở nông thôn, phải lao động từ nhỏ, cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong trường học, để các em có trải nghiệm về các ngành nghề, hình thành suy nghĩ, sở thích và đam mê với nghề nghiệp mình sẽ làm trong tương lai. Muốn làm được như vậy, chúng ta cần có một chương trình giáo dục kết hợp với tuyên truyền sâu rộng cho học sinh và cả phụ huynh. Bên cạnh đó, phải đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên.
Để hạn chế lao động trẻ em hiệu quả, không thể không nhắc đến vai trò của những người mẹ. Họ có tiếng nói trong gia đình và luôn thương yêu con. Dù gia đình có khó khăn đến đâu, phụ nữ vẫn luôn mong muốn con mình được học hành, vui chơi; không phải lao động vất vả. Do đó, phải coi đây là "lực lượng xung kích" để hạn chế, ngăn ngừa lao động trẻ em.
Để không còn lao động trẻ em, ngoài những chính sách thiết thực, chúng ta còn cần sự đoàn kết của cộng đồng, thực hiện các biện pháp một cách quyết liệt. Trên hết, chúng ta phải luôn yêu thương trẻ em, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để trong xã hội không còn tồn tại lao động trẻ em.