xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đột quỵ - bệnh cũ, cảnh báo mới!

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Chúi đầu vào điện thoại hay máy tính bảng nhiều giờ liền; lười vận động; ăn uống thiếu khoa học… là những nguyên nhân khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, bị đột quỵ

Đột quỵ đang là căn bệnh gây ra nỗi khổ và gánh nặng nhiều mặt cho biết bao gia đình nhưng nhiều người trẻ vẫn thờ ơ với "kẻ giết người" đáng sợ này.

Bệnh nhân gia tăng

Ca đột quỵ mới nhất vừa được Bệnh viện (BV) Đa khoa Xuyên Á tiếp nhận cấp cứu là ông Đ.V.T (57 tuổi; ngụ huyện Củ Chi, TP HCM). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng méo miệng, chóng mặt, liệt nửa thân bên trái. Trước đó, khi đang ăn tiệc tại nhà, ông T. bỗng đột ngột lả người, vã mồ hôi, nôn ói... và được người nhà tức tốc đưa đi cấp cứu. Tại BV, bệnh nhân được xác định chỉ số 12 điểm trên bảng đánh giá đột quỵ (NIHSS) với các biểu hiện rối loạn cảm giác nửa thân trái, tay trái có sức cơ 3/5, chân trái sức cơ 0/5 (liệt hoàn toàn), nói chuyện khó khăn.

Qua các kết quả cận lâm sàng và lâm sàng, các bác sĩ xác định ông T. bị đột quỵ, nhồi mạch máu não cấp. Bệnh nhân được truyền nhanh thuốc tiêu sợi huyết và sau 24 giờ thì qua cơn nguy kịch, tình trạng tiến triển tốt hơn (tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không đau đầu, tay trái phục hồi hoàn toàn, chân trái có cải thiện, giảm liệt mặt, sinh hiệu ổn định).

Đột quỵ - bệnh cũ, cảnh báo mới! - Ảnh 1.

Nên thường xuyên theo dõi, kiểm tra huyết áp để phòng ngừa căn bệnh chết người

Theo các bác sĩ, đây là trường hợp may mắn được cứu chữa trong "thời gian vàng" nên tránh được các di chứng đáng tiếc. Nếu đưa đến BV trễ, chắc chắn bệnh nặng hơn và sẽ để lại di chứng nặng nề, như liệt hoàn toàn nửa thân bên trái, liệt mặt..., ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Ông T. có tiền căn tăng huyết áp nhưng không điều trị liên tục.

Ghi nhận tại các BV lớn trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, Nhân dân 115..., trong giai đoạn nắng mưa thất thường hiện nay, số bệnh nhân đột quỵ nhập viện ngày càng đông. Chỉ riêng tại BV Nhân dân 115, bình thường tại đây chỉ điều trị nội trú khoảng 120-130 ca nhưng số bệnh nhân hiện nay là khoảng 190 ca.

Tăng huyết áp: Kẻ thù hàng đầu

Theo các chuyên gia, phát hiện mới cho thấy thói quen thức khuya thường ngày khiến những người ở độ tuổi từ 15-20 có nguy cơ bị đột quỵ tăng cao. BS Phạm Văn Hưng, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết bệnh tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều bệnh lý như tim mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, trong đó đáng báo động là đột quỵ... Hiện nay, phần lớn thanh thiếu niên lười vận động, hầu hết thích ở nhà sử dụng điện thoại, máy tính bảng để chơi game hay lên mạng xã hội. Có rất nhiều người trẻ chỉ khoảng 20 tuổi bị đột quỵ do tăng huyết áp. Điều nguy hiểm ở chỗ họ không nghĩ mình có bệnh, không đi khám nên khi đến BV thì bệnh đã nặng, điều trị khó khăn

Các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh khuyến cáo mọi người khi có các yếu tố nguy cơ đột quỵ, nhồi máu não như: tăng huyết áp, đái tháo đường... thì nên đi khám để được theo dõi sức khỏe thường xuyên tại các cơ sở y tế. Trường hợp có các biểu hiện cấp tính, cần đưa bệnh nhân đến ngay BV có đầy đủ phương tiện chuyên môn và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa thần kinh để có thể xử trí kịp thời, tránh di chứng đáng tiếc.

Quan trọng là sơ cứu ban đầu

Lâu nay, khi có người bị đột quỵ, phần lớn người thân trong gia đình rất lúng túng trong cách xử trí ban đầu, đặc biệt là vấn đề di chuyển người bệnh. Có những trường hợp do xử trí, di chuyển không đúng cách khiến các tổn thương trầm trọng hơn. TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, cho biết trong cấp cứu đột quỵ, yếu tố thời gian là vàng vì nếu chậm trễ, mỗi phút qua đi sẽ có khoảng 2 triệu tế bào thần kinh bị mất. Sự chậm trễ trong cấp cứu đột quỵ thường do người dân chưa hiểu đúng về tình trạng này. Khi thấy có người lăn ra bất tỉnh thì cứ nghĩ họ bị "trúng gió" và tìm cách sơ cứu bằng những biện pháp dân gian như giật tóc, xức dầu, cạo gió, bấm huyệt... thay vì phải chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để kịp xử trí.

Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115, không chỉ sơ cứu không đúng cách, một vấn đề cần báo động khác là chuyển nạn nhân đột quỵ đến cơ sở y tế quá muộn. Giới chuyên môn khuyến cáo sơ cấp cứu ban đầu là kỹ năng cần thiết cho tất cả mọi người. Do vậy, người dân cần được khuyến khích tìm học các khóa sơ cấp cứu ban đầu để có thể áp dụng khi gặp các trường hợp tai nạn hay tai biến. 

Chuyển người bệnh nhanh nhất có thể

Theo BS CKI Trần Quốc Tuấn (Khoa Ngoại Thần kinh, BV Đại học Y dược), việc di chuyển người bị đột quỵ không đúng cách có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm. Về cơ bản, việc vận chuyển người bị đột quỵ cần tuân theo 3 nguyên tắc: Một là bảo đảm thông thoáng đường thở và tim đập; hai là giữ cố định để bảo vệ các bộ phận có thể tổn thương như đầu, cổ, tứ chi; ba là di chuyển bệnh nhân đến nơi cấp cứu nhanh nhất có thể.

Ước tính mỗi năm nước ta có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% tử vong. Phần lớn người bệnh đột quỵ không đến được BV trong "thời gian vàng".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo