xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Viêm não diễn biến bất thường

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Tuy mới vào mùa nhưng bệnh viêm não đã xuất hiện nhiều điều bất thường: Số ca viêm não Nhật Bản chiếm tỉ lệ cao đặc biệt và nhiều người lớn cũng mắc bệnh nặng

Bộ Y tế vừa cảnh báo các tháng 6, 7, 8 sẽ là đỉnh cao bùng phát dịch bệnh viêm não virus, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB). Trẻ em dưới 15 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này.

325 trường hợp viêm não virus

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết khoa đang tiếp nhận điều trị 3 bệnh nhân đều là nữ giới ở độ tuổi 18-20, bị viêm não rất nặng. Trong đó, 2 trường hợp dương tính với virus VNNB.

Bệnh nhân Nguyễn H.Y (20 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình đưa vào BV hôm 28-6 trong tình trạng đờ đẫn, yếu và liệt chân tay, sốt cao, có những cơn co giật rồi hôn mê sâu. Hiện Y. vẫn phải thở máy. Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Chu Thị T. (18 tuổi, ở Hà Nội), nhập viện hôm 17-6. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, đến nay, bệnh nhân này đã không phải thở máy như lúc mới vào nhưng chân tay vẫn còn liệt, nhiều nguy cơ để lại di chứng, trong đó có di chứng thần kinh. Hiện tay chân của T. gần như không cử động được.

Theo bác sĩ Cấp, thông thường VNNB rất hiếm gặp ở người lớn nhưng ngay đầu mùa dịch năm nay, đã có 3 ca viêm não người lớn. Đây là yếu tố bất thường, rất đáng lo ngại.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường bắt đầu vào mùa hè. Đỉnh điểm dịch là vào các tháng 6, 7, 8, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 325 trường hợp viêm não virus tại 31 tỉnh, thành phố. Đã có 5 trường hợp tử vong tại các địa phương: Gia Lai (2 trường hợp), Hà Nội, Điện Biên và Bạc Liêu mỗi nơi 1 người.

Tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản tại Hà Nội
Tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản tại Hà Nội

Miền Bắc có số người mắc bệnh VNNB chiếm 65,8%, miền Trung 12,3%, miền Nam 17,5% và Tây Nguyên 4,4%. Những địa phương có số người mắc cao là: TP HCM (44), Hà Nội (37), Quảng Ngãi (37), Thái Bình (28), Sơn La (24), Bắc Giang (20), Điện Biên (18).

Tử vong cao, biến chứng nặng

Theo TS Trần Đắc Phu, viêm não do nhiều loại virus gây ra, trong đó có virus VNNB. Dịch bệnh bùng phát vào mùa hè là do nắng nóng - môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh. Đây cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh rồi lây sang gia súc. Sau khi đốt những con vật mang mầm bệnh, muỗi lại đốt và truyền bệnh cho người. Những ai chưa tiêm phòng thì rất dễ bị truyền bệnh.

“Trẻ dưới 15 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Nếu chưa miễn dịch với virus VNNB, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Người lớn có nguy cơ mắc bệnh do chưa được tiêm chủng và có thể bị nhiễm virus khi đến vùng có bệnh. Bệnh thường có biểu hiện cấp tính như sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa, rối loạn tinh thần, vật vã, mê sảng hoặc lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỉ lệ tử vong cao, có thể lên đến 10% - 20%” - ông Phu nhấn mạnh.

Theo thống kê, số bệnh nhân bị VNNB chiếm khoảng 15% các trường hợp viêm não virus. Trong 6 tháng đầu năm 2014, BV Nhi trung ương đã tiếp nhận 129 trường hợp viêm não virus, trong đó có đến 46 ca được chẩn đoán VNNB. Các bệnh nhi VNNB đã được ghi nhận tại 18 tỉnh, thành phố phía Bắc. Riêng Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận 16 trường hợp, trong đó 1 ca tử vong tại huyện Ba Vì. Số mắc VNNB ở Hà Nội hiện tăng 12 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013. Tất cả trường hợp mắc bệnh đều là trẻ dưới 15 tuổi, trong đó 4 ca dưới 1 tuổi. 75% trường hợp mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Bác sĩ Cấp cho biết VNNB gây tổn thương trực tiếp não và lan tỏa nhiều nơi, trong khi không có thuốc đặc trị, chỉ hồi sức, chờ bệnh nhân tự hồi phục nên bệnh thường nặng và tỉ lệ tử vong cao. Vì thế, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ theo đúng lịch và cho người lớn ở những vùng nguy cơ cao là rất cần thiết.

Tuy vậy, giới chuyên môn cũng lưu ý trẻ từng mắc VNNB vẫn có thể bị viêm não do virus và vi khuẩn khác.

Nên tiêm chủng đến khi qua 15 tuổi

Để phòng bệnh VNNB, trẻ cần được tiêm đủ 3 liều vắc-xin theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, mũi 1 tiêm lúc trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Hiện vắc-xin VNNB được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo