"Tôi biết thế giới đang tập trung vào tình hình ở bang Rakhine. Là một thành viên có trách nhiệm, Myanmar không sợ sự giám sát quốc tế. Chúng tôi cũng quan tâm, muốn tìm ra vấn đề thực sự là gì. Có những cáo buộc và bác bỏ cáo buộc. Chúng tôi phải lắng nghe tất cả cũng như đảm bảo những cáo buộc này dựa trên bằng chứng xác thực trước khi chúng tôi hành động".
"Chúng tôi lo lắng khi nghe tin nhiều người Hồi giáo đang chạy trốn qua biên giới để sang Bangladesh. Chúng tôi muốn tìm hiểu lý do tại sao lại xảy ra cuộc di dân này – bà Suu Kyi phát biểu tại thủ đô Naypyidaw.
Cũng theo bà Suu Kyi, phần lớn các ngôi làng mà người Rohingya sinh sống không bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Thêm vào đó, quân đội Myanmar cũng nhận được lệnh phải kiềm chế và tránh gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: EPA
Bà Suu Kyi chia sẻ vì không thể tới tham dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tuần này nên đã thực hiện bài phát biểu nói trên tại quê nhà.
Ngoài mục đích cho cộng đồng quốc tế thấy chính phủ Myanmar đang làm gì để giải quyết tình hình, bà Suu Kyi còn lên án mọi hành vi vi phạm nhân quyền cũng như cam kết sẽ bắt những người chịu trách nhiệm phải ra tòa.
Đây là lần đầu tiên bà Suu Kyi lên tiếng về cuộc khủng hoảng người Rohingya kể từ khi xảy ra vụ bạo lực mới nhất vào ngày 25-8. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, bà Suu Kyi đổ lỗi cho "những kẻ khủng bố" đứng sau loạt "thông tin sai lệch" gần đây.
Bà Suu Kyi trước đó phải đối mặt với làn sóng chỉ trích nặng nề vì không phản ứng trước cuộc khủng hoảng di dân.
Hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya đã rời khỏi bang Rakhine để tới Bangladesh – vốn được khơi nguồn từ một cuộc tấn công vũ trang bị đổ lỗi cho các tay súng Rohingya nhằm vào đồn cảnh sát hồi tháng 8. Sau cuộc tấn công này, nhà chức trách Myanmar đã phát động chiến dịch quân sự đáp trả vụ tấn công này.
Bình luận (0)