Trao đổi với báo Financial Times nhân dịp đến thủ đô London (Anh) tuần trước, Tổng thống Irfaan Ali cho biết Guyana không chỉ đầu tư cho nhu cầu của người dân trong nước mà còn nhằm tìm kiếm ngoại tệ. Nhờ đó, Guyana có thể trở thành trung tâm y tế và giáo dục cho khu vực Nam Mỹ, vùng Caribbean và cộng đồng người di cư sinh sống ở Bắc Mỹ.
Từng là thuộc địa của Anh với dân số 787.000 người, vận may thay đổi hoàn toàn Guyana từ khi Tập đoàn Dầu khí ExxonMobil (Mỹ) phát hiện nhiều mỏ dầu lớn ngoài khơi nước này vào năm 2015.
Năm nay, ExxonMobil và đối tác - như Công ty Dầu khí Hess (Mỹ) và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) - lên kế hoạch khai thác đạt sản lượng 340.000 thùng/ngày.
Theo Tổng thống Irfaan Ali, sản lượng dầu của Guyana có thể vượt 1 triệu thùng/ngày trong 3 năm, tăng doanh thu cho chính phủ từ gần 4 tỉ USD trong năm 2022 lên 10 tỉ USD vào năm 2025.
Các tàu chở vật tư cho một giàn khai thác dầu ngoài khơi của ExxonMobil tại bờ biển Guyana .Ảnh: REUTERS
Được cho là có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Guyana đang cố tránh "lời nguyền dầu mỏ" bằng chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn. Trong đó, hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng, nhất là khi nước này phân cách với các nước láng giềng bởi rừng và sông.
Guyana dự định xây đường cao tốc và cầu nối Guyana với vùng lãnh thổ Guiana thuộc Pháp, nước Suriname ở phía Đông và Brazil ở phía Nam. Mạng lưới giao thông cùng với một cảng nước sâu được quy hoạch trên bờ biển Caribbean giúp mở ra hành lang vận tải từ phía Bắc Brazil đến các thị trường Đại Tây Dương.
Tổng thống Irfaan Ali cho biết: "Chúng tôi đang bàn với Tập đoàn cảng Abu Dhabi (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) về việc phát triển cảng nước sâu quan trọng ở Guyana". Ông ước tính chi phí xây dựng cảng hơn 2 tỉ USD.
Khi ngành công nghiệp dầu mỏ phát triển, Guyana xem xét thành lập công ty dầu khí quốc gia. Dù vậy, Tổng thống Irfaan Ali nhấn mạnh công ty sẽ hoạt động như một doanh nghiệp tập trung vào hoạt động phát triển mới, chứ không tiếp quản hoạt động sản xuất hiện tại từ các nhà khai thác nước ngoài.
Sản lượng dầu tăng nhanh đồng nghĩa với việc nền kinh tế Guyana được dự báo sẽ tăng trưởng 47% trong năm nay. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, vượt qua mức 20% vào năm 2021 và 43% vào năm 2020 cũng của Guyana. Một quỹ đầu tư quốc gia đã được thành lập để bảo vệ nguồn thu từ dầu mỏ cho các thế hệ tương lai.
Ngoài dầu mỏ, rừng nhiệt đới rộng 18,5 triệu ha của Guyana có thể hỗ trợ du lịch sinh thái và trung tâm đa dạng sinh học, cũng như tạo ra doanh thu từ việc bảo tồn.
Ông Irfaan Ali nhấn mạnh: "Nhiều người không biết rằng rừng ở Guyana lưu trữ 19,5 gigaton carbon. Điều đó có thể mang lại thu nhập gần 200 triệu USD hằng năm thông qua tín dụng carbon và thị trường carbon".
Bình luận (0)