Hàn Quốc sẽ tận dụng cuộc hội đàm liên Triều trong ngày 9-1 để xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nối lại chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên.
Tan băng
Trước thềm cuộc gặp, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung-gyon hôm 8-1 cho biết: "Về cơ bản, hai bên sẽ tập trung vào Thế vận hội mùa đông. Khi thảo luận về mối quan hệ liên Triều, chính phủ sẽ tìm cách nêu vấn đề các gia đình ly tán và những biện pháp giúp giảm căng thẳng quân sự". Theo tờ Finacial Times, ông Cho dẫn đầu phái đoàn gồm 5 thành viên đến gặp những người đồng cấp Triều Tiên ở làng Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền. Dẫn đầu đoàn Triều Tiên là ông Ri Son-gwon, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình chuyên giám sát các mối quan hệ liên Triều.
Cuộc đối thoại cấp cao gần đây nhất diễn ra trước khi kênh liên lạc giữa hai bên bị cắt đứt sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên cách đây 2 năm. Bước đột phá mới nhất có được sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bài phát biểu mừng năm mới đã đề cập khả năng cử đoàn thể thao tham dự Thế vận hội mùa đông diễn ra ở Hàn Quốc vào tháng tới. Theo một quan chức Hàn Quốc, cả Tổng thống Moon Jae-in và lãnh đạo Kim Jong-un đều có thể nghe được nội dung thảo luận và sẽ can thiệp nếu cần thiết. Tuy nhiên, chính quyền của ông Moon vẫn chưa rõ yêu cầu của Triều Tiên tại cuộc đối thoại sắp tới.
Sự kiện trên được xem là cơ hội tốt nhất để khôi phục đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ của Hàn Quốc là làm sao thuyết phục Triều Tiên đối thoại nhiều hơn mà không làm suy yếu lập trường cứng rắn của Washington đối với Bình Nhưỡng. Dù Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không đặt ra bất kỳ giới hạn nào trong nội dung cuộc gặp nhưng ông chắc chắn không muốn làm tổn hại nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Bình Nhưỡng cho đến khi ông Kim Jong-un chịu từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Mâu thuẫn này có thể cản trở ông Moon đưa ra thêm đề nghị bên cạnh chuyện hợp tác trong Thế vận hội mùa đông sắp tới. "Đối với Hàn Quốc, điều quan trọng là không làm tổn hại các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trong khi đó, Triều Tiên có thể đưa ra yêu cầu như viện trợ nhân đạo và hợp tác kinh tế" - ông Shin Beomchul, chuyên gia tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, nhận định với trang Bloomberg.
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tại làng Bàn Môn Điếm trong khu vực phi quân sự (DMZ) chia cách hai miền Triều Tiên Ảnh: REUTERS
Mỹ hoài nghi
Ông Taylor Fravel, chuyên gia về khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), cho rằng sự quan tâm bất ngờ đến đàm phán của ông Kim Jong-un xuất phát từ sức mạnh năng lực hạt nhân của Triều Tiên. Theo ông Fravel, Bình Nhưỡng đã đạt những tiến bộ đáng kể về hạt nhân và tên lửa đạn đạo và họ cảm thấy sẵn sàng đối thoại sau khi phần nào chứng tỏ được "khả năng tấn công Mỹ". Dù vậy, chuyên gia này không mong đợi nhiều từ cuộc gặp liên Triều vì cho rằng nội dung chủ yếu liên quan đến Thế vận hội mùa đông. Điều quan trọng, theo ông Fravel, là liệu có cuộc gặp tiếp theo hay không.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), hoài nghi cuộc đàm phán sẽ thay đổi lập trường của Bình Nhưỡng về vũ khí hạt nhân. Lạc quan hơn đôi chút, ông Trump vào cuối tuần rồi nhận định cuộc gặp là "sự khởi đầu quan trọng" và nói sẵn sàng điện đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu kết quả khả quan.
Cả Hàn Quốc và Mỹ đều không muốn Thế vận hội mùa đông sắp tới bị gián đoạn, nhất là khi nó diễn ra tại TP Pyeongchang, chỉ cách biên giới Triều Tiên khoảng 80 km. Theo đề nghị của ông Moon, ông Trump đã đồng ý trì hoãn cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn cho đến sau thế vận hội. Tuy nhiên, Washington cũng cho thấy sự thận trọng khi điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đến khu vực.
Theo Yonhap, nhóm tàu này có thể đến vùng biển gần Triều Tiên trước khi sự kiện thể thao lớn nói trên khai mạc ngày 9-2. Hiện chưa rõ liệu con tàu có ở lại trong khu vực để tham gia tập trận chung với Hàn Quốc hay không.
Bên trong Bàn Môn Điếm
Làng Bàn Môn Điếm tọa lạc bên trong khu vực phi quân sự (DMZ) - dải đất chạy ngang giữa bán đảo Triều Tiên để làm vùng đệm ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Đây là nơi duy nhất trong DMZ mà binh lính từ Triều Tiên và Hàn Quốc chỉ cách nhau một bước chân. Bên trong làng có một tòa nhà được gọi là "Nhà Hòa bình" - nơi dự kiến diễn ra cuộc gặp giữa giới chức Bình Nhưỡng và Seoul vào ngày 9-1.
Trong những năm gần đây, nơi có biệt danh "căng thẳng nhất hành tinh" này hay làm nền cho những bức ảnh của các tổng thống Mỹ khi tới thăm Hàn Quốc và là một điểm đến hấp dẫn du khách.
Dù mang tiếng là khu vực phi quân sự hóa nhưng DMZ - dải đất ở vĩ tuyến 38, dài 248 km, rộng 4 km - lại là nơi bày bố quân sự dày đặc nhất thế giới. Quân đội hai bên xây dựng các công sự bê-tông ngầm, rải mìn, dựng hàng rào thép gai và tuần tra thường xuyên trong khi vẫn giữ khoảng cách với nhau. Tuy nhiên, Bàn Môn Điếm là một ngoại lệ trong DMZ. Ra đời sau hiệp định đình chiến năm 1953, ngôi làng này là nơi mà các binh lính và giới chức trách có thể ngồi lại mặt đối mặt. Bộ Tư lệnh LHQ quản lý khu vực này. Lực lượng của Bộ Tư lệnh LHQ tuần tra khu vực quảng trường nằm bên sườn hai tòa nhà: Nhà Tự do bên phía Hàn Quốc và tòa Panmon phía Triều Tiên. Nhưng ở vị trí trung tâm, 6 tòa nhà nằm giữa Đường phân giới quân sự (MDL), trong đó 3 tòa sơn màu xanh lơ, là của LHQ.
Về mặt du lịch, phía Triều Tiên và Hàn Quốc khai thác theo những hướng khác nhau. Từng tới thăm làng Bàn Môn Điếm theo các "tour" của cả hai bên, ông Isaac Stone Fish - thành viên cấp cao của tổ chức Asia Society - cho hay: "Hai nước muốn chuyển tải những thông điệp khác nhau. Hàn Quốc muốn cho thấy nơi này nguy hiểm và lạ lùng tới mức nào và họ đã bảo vệ đất nước ra sao. Điều bất ngờ là phía Triều Tiên lại chỉ muốn du khách nhìn vào sự chia rẽ của Hàn Quốc với Triều Tiên".
Ở bên phía Hàn Quốc, du khách phải ký một văn bản, trong đó có lưu ý "khả năng bị thương hoặc thiệt mạng" trong khi phía Triều Tiên lại tạo cho du khách không khí thư giãn hơn, theo ông Fish. Thứ duy nhất phân chia giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ở Bàn Môn Điếm là một đường bê tông khổng lồ trải dài khắp làng. Có một phòng họp nổi tiếng cũng chia đôi cho hai nước. Bên phía của Triều Tiên, có nơi cho du khách mua đồ lưu niệm và tiêu khiển ở sân golf được mệnh danh là "nguy hiểm nhất thế giới".
Thu Hằng
Bình luận (0)