Phát biểu tại lễ khai mạc ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng hai nước cần tin tưởng nhau nhiều hơn, cũng như tăng cường nỗ lực xử lý xung đột và tránh những đánh giá sai về chiến lược.
Song song đó, ông Tập đề cập những lợi ích thiết thực trong quan hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này trong những lĩnh vực như trao đổi quân sự, biến đổi khí hậu...Theo ông, Mỹ và Trung Quốc không nên sợ bất đồng.
"Việc có bất đồng không có gì đáng sợ. Điều quan trọng là không sử dụng bất đồng như một cái cớ cho sự đối đầu. Một số bất đồng có thể không được giải quyết trong thời gian ngắn. Hai bên cần hiểu nhau và quản lý bất đồng một cách thực tế và mang tính xây dựng" - ông Tập cho biết.
Chủ tịchTập Cận Bình chào đón Ngoại trưởng John Kerry (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew của Mỹ hôm 6-6. Ảnh: Reuters
Dù ông Tập không đề cập chi tiết về những cái gai trong quan hệ Mỹ - Trung nhưng ai cũng biết hai cường quốc này đang hục hặc về một loạt vấn đề, từ chiến lược xoay trục của Washington sang châu Á cho đến những hành động khiêu khích của Bắc Kinh ở biển Đông.
"Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở biển Đông và phản đối bất kỳ nước nào đơn phương hành động để giải quyết vấn đề này" - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh ngay sau bài phát biểu của ông Tập.
Ngoài biển Đông, SEC còn bàn một loạt vấn đề khác, như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố, hợp tác thương mại và kinh tế và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Kerry đặc biệt thúc giục hai nước hợp tác để ngăn Triều Tiên mở rộng khả năng vũ khí hạt nhân, từ đó đe dọa đến các nước láng giềng và an ninh khu vực. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew kêu gọi Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép thừa mứa đang tác động tiêu cực lên thương mại toàn cầu
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự SEC là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Jack Lew. Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đứng đầu.
Đài Loan không công nhận "ADIZ của Trung Quốc"
Tân lãnh đạo cơ quan quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan hôm 6-6 nói hòn đảo sẽ không công nhận bất cứ vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào mà Trung Quốc có ý định thiết lập ở biển Đông.
Báo cáo từ cơ quan quốc phòng Đài Loan trình cơ quan lập pháp nêu rõ: "Trong tương lai, chúng tôi không loại trừ khả năng Trung Quốc lập ADIZ. Nếu Trung Quốc đang tính toán như vậy thì nó có thể tạo ra đợt căng thẳng mới trong khu vực".
Hôm 5-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Mỹ sẽ coi việc Trung Quốc lập ADIZ ở biển Đông là hành động "khiêu khích và gây bất ổn".
Cùng ngày, tại Đối thoại Shangri-La 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đề nghị hải quân châu Âu phối hợp tuần tra tại các vùng biển châu Á, trong đó có biển Đông, để củng cố một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc.
Theo ông Le Drian, nếu các luật trên biển không được tôn trọng ở khu vực này, chúng cũng có thể bị phớt lờ ở Bắc Băng Dương hoặc Địa Trung Hải. Hải quân Pháp đã được điều động đến Biển Đông ba lần trong năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan cũng cam kết tăng cường sự tham gia của Ottawa tại châu Á - Thái Bình Dương.
Bình luận (0)