Bà Jen Psaki tuyên bố: “Bất kỳ động thái can thiệp nào vào quyền tự do hàng không ở không phận quốc tế cũng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và dẫn đến những tính toán sai lầm, sự đối đầu và sự cố ngoài ý muốn”.
Bà Psaki cũng kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin liên lạc khẩn cấp để tránh các tình huống nguy hiểm tương tự có thể xảy ra.
Trong sự cố hôm 11-6, 2 máy bay tiêm kích của Trung Quốc áp sát 2 máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), có lúc chỉ cách khoảng 30-50m. Trên thực tế, với khoảng cách tiếp xúc gần như vậy, những chiếc máy bay có thể dễ dàng va chạm với nhau. Một số chuyên gia cho rằng quân đội Trung Quốc đã hành động khiêu khích để phô trương sức mạnh quân sự của mình. Tuy nhiên, nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho rằng mọi chuyện không đơn giản như thế.
Theo một quan chức Tokyo, 2 viên phi công lái 2 chiếc máy bay tiêm kích của Bắc Kinh có thể đã tự ý hành động mà không tuân lệnh của cấp trên. “Khả năng quân đội Trung Quốc ra lệnh cho phi công áp sát máy bay Nhật Bản là rất thấp vì để làm được điều đó, họ phải cực kỳ tự tin vào kỹ năng của phi công. Nhưng thực tế cho thấy kỹ năng của các viên phi công này không quá giỏi”.
Thêm vào đó, 2 chiếc chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay không ổn định khi áp sát máy bay Nhật Bản. Chúng bị rung và lên xuống thất thường khi ở trong phạm vi nguy hiểm.
Một quan chức cấp cao SDF cho biết dù Bắc Kinh đã tăng số lượng máy bay chiến đấu lên gấp 6 lần trong 15 năm qua nhưng vẫn còn yếu kém về chương trình đào tạo quy tắc ứng xử quốc tế cho các phi công. Mặt khác, cũng có khả năng giới lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng dung túng cho những hành động tự phát của phi công máy bay quân sự trong bối cảnh căng thẳng với Nhật đang gia tăng.
Bình luận (0)