xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ vào “vùng cấm địa” ở biển Đông

Thu Hằng

Tổng thống Mỹ Barack Obama hành động sau khi nhận ra thiện chí của Washington không có được sự hợp tác của Bắc Kinh

Hải quân Mỹ ngày 27-10 đã phái tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là 2 trong số 7 nơi Trung Quốc cho bồi đắp phi pháp để biến thành đảo nhân tạo.

Mới chỉ dạo đầu

Hộ tống con tàu lớp Arleigh Burke nói trên - được đánh giá là một trong những loại tàu chiến hiện đại và mạnh mẽ nhất của Hải quân Mỹ - còn có 2 máy bay tuần tra. Báo Washington Times dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao cho biết cuộc tuần tra bắt đầu lúc 6 giờ 4 phút  (giờ Việt Nam) và “hoàn tất một cách suôn sẻ” trưa cùng ngày.

Theo trang tin quân sự Navy Times, một tàu hải quân Trung Quốc theo dõi tàu USS Lassen trước khi nó bắt đầu cuộc tuần tra. Tuy nhiên, điều này không có gì bất thường bởi USS Lassen vẫn bị đeo bám khi tuần tra ở biển Đông những ngày trước đó.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Washington không thông báo trước sứ mệnh tuần tra mang thông điệp mạnh này cho Bắc Kinh. Giới chức Mỹ cũng khẳng định đây sẽ là hoạt động thường xuyên, chứ không phải sự kiện chỉ xảy ra một lần.

Ông Taylor Fravel, chuyên gia về hàng hải Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nhận định đây có thể là cuộc đối đầu “đình đám nhất” giữa Mỹ và Trung Quốc, qua đó cho thấy Mỹ không công nhận những tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc ở biển Đông.

Ngay trong ngày 27-10, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại triệu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Max Baucus để phản đối cuộc tuần tra nói trên. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng khá gay gắt khi người phát ngôn Lục Khang nhấn mạnh: “Các nhà chức trách liên quan đã giám sát, theo sau và cảnh báo USS Lassen”. Ông này nói thêm Bắc Kinh cực kỳ bất mãn với hành động của Mỹ nhưng từ chối trả lời về ý định đáp trả bằng quân sự.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng khuyên Mỹ nên suy nghĩ kỹ càng, không hành động mù quáng hoặc gây chuyện. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ có những biện pháp tăng cường an ninh quốc gia.

 


Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen được đánh giá là một trong những loại tàu chiến hiện đại

và mạnh mẽ nhất của Hải quân Mỹ Ảnh: REUTERS

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen được đánh giá là một trong những loại tàu chiến hiện đại

và mạnh mẽ nhất của Hải quân Mỹ Ảnh: REUTERS

 

Hết kiên nhẫn

Trái ngược với thái độ bất mãn của Trung Quốc, Philippines hoan nghênh cuộc tuần tra của Mỹ, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cần ủng hộ việc duy trì tự do hàng không và hàng hải. Malaysia và Đài Loan cùng chung quan điểm cần giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh hải một cách hòa bình và thỏa đáng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết Canberra không tham gia vào hoạt động hiện nay của Mỹ ở biển Đông nhưng ủng hộ chính sách tiến hành chiến dịch tự do hàng hải.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga từ chối bình luận về cuộc tuần tra của Mỹ nhưng khẳng định: “Cộng đồng quốc tế cùng hợp tác để bảo vệ tự do và hòa bình trên biển là điều cực kỳ quan trọng”.

Theo tiết lộ của báo Nikkei (Nhật Bản), quyết định đưa tàu tuần tra vào “vùng cấm địa” ở biển Đông đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama bật đèn xanh ngay sau bữa tối “thân mật” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hôm 24-9.

Các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ khẳng định kế hoạch tuần tra vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở biển Đông đã có từ tháng 6 nhưng Tổng thống Obama vẫn trông chờ kết quả tích cực tại cuộc gặp với ông Tập.

Chứng kiến lời hối thúc Bắc Kinh chấm dứt quân sự hóa các đảo nhân tạo chỉ nhận được sự thờ ơ của ông Tập, tổng thống Mỹ lập tức yêu cầu trợ lý thân cận liên lạc với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và gật đầu thông qua cuộc tuần tra.

Chiến lược gia quân sự nổi tiếng của Mỹ Edward Luttwak cho rằng ông Obama đã nhận ra Bắc Kinh không đáp lại thiện chí của Washington.

Ở phạm vi rộng hơn, theo báo The Wall Street Journal (Mỹ), động thái trên còn khởi đầu một “cuộc tranh đua công khai” để có chỗ đứng tại tuyến giao thương hàng hải quan trọng, kết nối vùng Trung Đông giàu dầu mỏ với những nền kinh tế hùng mạnh ở Tây Thái Bình Dương.

Ngay cả khi không có nhiều giá trị quân sự thì những đảo nhân tạo nói trên được xem là biểu tượng cho nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “lật đổ” trật tự hiện nay do Washington đứng đầu tại khu vực.

Trong khi đó, Mỹ đặt cược không ít vào chiến lược biển Đông của mình: tương lai như một cường quốc biển tại châu Á - Thái Bình Dương; uy tín trong cam kết bảo vệ các đồng minh đang lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc; nguyên tắc giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng luật pháp quốc tế, không phải sự ép buộc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo