Tại cuộc họp liên chính phủ tổ chức hôm 29-5, Ngoại trưởng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á hợp tác giải quyết cuộc đàn áp người Rohingya Hồi giáo ở Myanmar, khiến hàng ngàn người Rohingya phải bỏ đi. Cuộc di cư này sau đó có thêm sự tham gia của người Bangladesh.
Đoàn đại biểu từ 17 chính phủ cùng với quan sát viên của Mỹ, Thụy Sĩ, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã tụ họp ở thủ đô Bangkok – Thái Lan để tìm biện pháp cứu những người di cư đang dạt vào bờ biển Malaysia, Indonesia và Thái Lan, cũng như mắc kẹt trên thuyền của bọn buôn người tại Vịnh Bengal.
Theo các tổ chức cứu trợ quốc tế, vẫn còn khoảng 2.600 người di cư trôi dạt sau khi hơn 3.000 người đã lên được bờ ở Indonesia và Malaysia trong tháng này.
Ngoại trưởng Patimaprakorn nhấn mạnh đây là vấn đề chung của tất cả các quốc gia Đông Nam Á mà không có chính phủ nào có thể tự mình giải quyết. Ông cũng nhận xét “dòng người di cư bất thường ở Ấn Độ Dương đã lên tới mức báo động”, phải giải quyết từ gốc rễ, ám chỉ Myanmar và Bangladesh để dòng người di cư bùng phát.
Myanmar, nơi người Rohingya Hồi giáo không được công nhân quyền công dân và phải đối mặt với làn sóng bài trừ của cộng đồng Phật tử chiếm số đông trong xã hội, đã rũ bỏ trách nhiệm của nước này trong cuộc khủng hoảng.
Tại cuộc họp, một quan chức Bộ Ngoại giao Myanmar, ông Htin Lynn, phản ứng quyết liệt trước tuyên bố của UNHCR rằng Myanmar phải “hoàn toàn chịu trách nhiệm” cho cuộc khủng hoảng di dân này. Ông Lynn phát biểu: “Về vấn đề di cư bất hợp pháp của những thuyền nhân, không thể chỉ đổ lỗi cho đất nước chúng tôi. Cứ đứng chỉ tay năm ngón sẽ không có ích lợi gì và chẳng đi tới đâu cả”.
Trước đó, trong cuộc họp, trợ lý ủy viên cấp cao của UNHCR Volker Turk yêu cầu Myanmar đối phó với dòng chảy người Rohingya xuống phía Nam bằng cách cấp quyền công dân cho họ. Tuy nhiên, đại diện của Myanmar gọi đề xuất kể trên là một sự “chính trị hóa”, đồng thời nói thêm rằng “một số vấn đề là công việc nội bộ” của nước này. Phần lớn trong số 1,3 triệu người Rohingya Hồi giáo bị chính phủ Myanmar từ chối công nhận là công dân.
Riêng Thái Lan hôm 29-5 đồng ý cho máy bay do thám của Mỹ tìm kiếm người di cư mắc kẹt trong vùng lãnh hải của mình, một bước tiến không mấy rõ ràng nhưng cũng là điểm sáng của cuộc họp.
Các nhà quan sát lo ngại cuộc thảo luận không có sự tham dự của tất cả các nước liên quan ở cấp Bộ trưởng sẽ khó tìm được giải pháp cho vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua, trong khi các chính phủ đều muốn làm ngơ.
Bình luận (0)