Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)
Theo hãng tin Interfax, việc Mỹ mang hệ thống đánh chặn tên lửa đến Hàn Quốc không những làm việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên thêm phức tạp, mà còn khởi động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
“Một kích thích tố nữa có khả năng khởi động một cuộc chạy đua vũ khí ở Đông Bắc Á và làm phức tạp thêm việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có thể xuất hiện trong khu vực, trong bối cánh tình hình an ninh trong khu vực đã đầy thách thức” - ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bình luận trên website Bộ Ngoại giao nước này.
“Việc phân tích toàn diện hậu quả của sự xuất hiện lá chắn phòng không toàn cầu tại Hàn Quốc sẽ giúp Seoul đánh giá được liệu hệ thống đánh chặn tên lửa và radar của Mỹ mang đến nhiều yếu tố tiêu cực hơn là tích cực” - ngoại trưởng Nga viết.
Theo chính trị gia người Nga, "động thái như vậy không thể không gây quan ngại về tầm ảnh hưởng hủy diệt từ hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ đối với an ninh quốc tế”. Đại diện nước Nga cho rằng tham vọng tiếp tục mở rộng diện tích triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa toàn cầu trên tất cả các nước trên thế giới, bao gồm lãnh thổ Hàn Quốc, đang trở thành hiện thực.
Theo ông Sergei Lavrov, nước Nga “không thể làm ngơ một kịch bản mang tính chất phá hoại như vậy” và nó tác động tiêu cực đến chiến lược ổn định an ninh quốc tế…
Một nhóm các nhà làm luật của đảng cầm quyền Saenuri đã bắt đầu vận động hành lang để chính phủ Hàn Quốc mua THAAD trực tiếp từ hãng Lockheed Martin (Mỹ). Trong khi trước đó, ngày 5-2, Trung Quốc cũng đã cảnh báo rằng việc triển khai THAAD có nguy cơ hủy hoại quan hệ song phương Trung Quốc-Hàn Quốc. “Chính quyền Tổng thống Park nên bác bỏ hệ thống này vì lợi ích hòa bình và ổn định cho toàn khu vực” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói.
Bình luận (0)