Trang tin Quartz nghi ngờ ông Fethullah Gulen, một học giả tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Mỹ cũng là kẻ thù chính trị của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, là người giật dây vụ đảo chính của quân đội tại Istanbul và Ankara hôm 15-7 (giờ địa phương).
Người đàn ông 75 tuổi này nhiều năm sống ẩn dật tại Saylorsburg, bang Pennsylvania – Mỹ nhưng vẫn có mối liên hệ sâu xa với tình hình chính trị, quân sự, tư pháp, truyền thông ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Hồi giáo khác trên toàn thế giới. Ông đươc cho là đang điều hành một phong trào tôn giáo có kinh phí hoạt động lên tới 1 tỉ USD.
Nhóm của ông Gulen, Liên minh Các giá trị chung, đã lên án cuộc đảo chính và bác bỏ họ có liên quan, theo Reuters. Họ chỉ mô tả mình là “một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ như là một tiếng nói cho dân sự, văn hóa và các tổ chức dịch vụ trên cả nước”.
Cách đây vài năm, ông Gulen còn là đồng minh của Tổng thống Erdogan, hỗ trợ ông ngồi vào ghế thủ tướng, sau đó là tổng thống.
Nhưng vào cuối năm 2013, ông Gulen cáo buộc nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chuyên quyền. Các nhà thực thi pháp luật và cán bộ tư pháp được cho là trung thành với học giả này đưa ra cáo buộc tham nhũng chống lại những người thân cận của Tổng thống Erdogan.
Theo trang Quartz, chưa rõ bên nào giành chiến thắng. Tuy nhiên, vào đầu năm 2014, Tổng thống Erdogan đã đáp trả mạnh mẽ. Ông giải nhiệm hàng trăm cảnh sát tham gia cuộc điều tra chống tham nhũng, đóng cửa các tờ báo đối lập hoặc sa thải biên tập viên của các tờ báo này, bao gồm nhật báo hàng đầu Zaman.
Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Erdogan tiếp tục củng cố quyền lực, kêu gọi tái bầu cử sau khi đảng AKP cầm quyền của ông thất thế trong cuộc bỏ phiếu trước đó hồi tháng 6.
Lý do đằng sau cuộc đảo chính hôm 15-7 không rõ ràng. Song đó có thể là một nỗ lực phá hoại kế hoạch của Tổng thống Erdogan trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm nay để thay đổi hiến pháp nhằm trao thêm quyền lực cho tổng thống.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Đại tá Muharrem Kose chính là người chỉ huy đảo chính. Kose từng bị Tổng thống Erdogan thải hồi vào tháng 3 năm nay và được cho là có quan hệ với giáo sĩ Gulen.
Đại tá Kose đã tuyên bố thành lập cái gọi là "Hội đồng hòa bình, một chính phủ lâm thời nhằm khôi phục nền dân chủ và nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ". Theo ông Kose, những điều đó đã bị chính quyền Tổng thống Erdogan phá hỏng trong cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, trong đó có quốc gia láng giềng Syria.
Lực lượng quân đội trung thành với Kose đã chiếm kênh truyền hình TRT, các cây cầu và sân bay Ataturk trước khi bị lực lượng trung thành với Tổng thống Erdogan đánh bật.
Giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xem là đứng sau vụ đảo chính, bác bỏ sự liên quan.
"Tôi lên án mạnh mẽ âm mưu đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ phải được thành lập thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng chứ không phải bằng bạo lưc. Là người đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính trong vòng 5 thập kỷ qua, tôi đặc biệt cảm thấy bị xúc phạm khi bị cáo buộc là có liên quan tới âm mưu này. Tôi bác bỏ những cáo buộc như vậy".
Bình luận (0)