Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hôm 12-5 cảnh báo hàng ngàn người có thể thiệt mạng, sau đó trôi dạt trên những chiếc thuyền chật chội vào bờ biển Đông Nam Á nếu không được trợ giúp lương thực và nước uống kịp thời.
Khoảng 8.000 người Hồi giáo Bangladesh và Rohingya đến từ Myanmar rời khỏi nơi cư trú để chạy trốn đói nghèo và phân biệt đối xử. Họ chen chúc trên các con thuyền gỗ không đủ tiêu chuẩn an toàn, thiếu thực phẩm và nước sạch, lênh đênh trên biển dài ngày.
IOM cho biết làn sóng tử thi có thể đổ bộ vào bờ biển một số nước Đông Nam Á trên những con thuyền chết chóc kể trên. Hai ngày vừa qua, ít nhất 1.600 người Rohingya tự bơi hoặc được cứu ngoài khơi bờ biển Indonesia và Malaysia.
Người di cư từ Bangladesh và Myanmar tập trung ở đảo Langkawi - Malaysia
sau khi được cứu hôm 11-5. Ảnh: AP
Trong số những người tị nạn kể trên, có nhiều nạn nhân bị bọn buôn người từ Thái Lan đưa đến nơi khác để “bán phá giá” do chính quyền Bangkok đang siết chặt các biện pháp trấn áp hành vi phạm pháp này. Thái Lan gần đây kêu gọi Malaysia và Myanmar tìm phương án giải quyết nhưng chưa được hồi âm.
Liên Hiệp Quốc, Mỹ và nhiều chính phủ cùng các tổ chức quốc tế khác cũng tổ chức họp khẩn nhưng một số quốc gia Đông Nam Á chưa sắp sẵn kế hoạch để đối phó. Họ lo ngại quá trình tìm kiếm thuyền tị nạn trên eo biển đông đúc Malacca sẽ gặp nhiều khó khăn. Và nếu có tìm được, họ đặt câu hỏi phải làm gì với những người tị nạn khi cứu được những người này lên bờ.
Cũng trong ngày 12-5, phát ngôn viên của Hải quân Indonesia Manahan Simorangkir cho biết một tàu chở khoảng 400 người di cư từ Myanmar và Bangladesh đã được kéo ra khỏi vùng biển nước này.
Ông Simorangkir nói: “Con tàu đã được kéo ra khỏi lãnh hải Indonesia. Chúng tôi chu cấp cho họ nhiên liêu, thực phẩm và yêu cầu họ tiếp tục di chuyển. Chúng tôi không ép họ tới Malaysia hay Úc. Đó không phải là nhiệm vụ của chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là (đảm bảo) họ không xâm nhập vì Indonesia không phải là đích đến”.
Các nhóm thiểu số ở Myanmar thường bị từ chối quyền công dân. Các nước trong khu vực từ lâu cho rằng việc mở cửa cho người di cư từ Myanmar sẽ thúc đẩy dòng chảy người nghèo và ít học vào quốc gia mình.
Trong nhiều thập kỷ, người Rohingya bị phân biệt đối xử tại Myanmar – đất nước mà Phật giáo chiếm đại đa số - và bị xem là định cư bất hợp pháp dù cha mẹ họ sinh sống tại đây qua nhiều đời. 3 năm trở lại đây, khoảng 1,3 triệu người thuộc các tôn giáo thiểu số bị đàn áp, khiến 280 người thiệt mạng và 140.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Họ sống trong các trại tập trung ngay bên ngoài thủ phủ bang Rakhine, Sittwe, thiếu giáo dục và chăm sóc y tế đầy đủ.
Bình luận (0)