xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nữ thủ tướng Thái Lan đầu tiên

NGÔ SINH

Từ khi nhậm chức thủ tướng đến nay, bà Yingluck Shinawatra đã liên tục phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong khi thiếu kinh nghiệm trên chính trường

Là con út trong số 9 người con của ông Lert Shinawatra và là thành viên trong một dòng họ đầy thế lực về chính trị, Yingluck Shinawatra đã trở thành vị thủ tướng thứ 28 của Thái Lan - nữ thủ tướng đầu tiên ở xứ sở này - vào tháng 8-2011 khi mới tròn 44 tuổi. Trước đó, bà chưa hề nắm giữ một chức vụ nào trong chính phủ.

Bản sao của anh trai

Sinh ra ở San Kamphaeng thuộc tỉnh Chiang Mai ngày 21-6-1967, Yingluck có biệt danh Pu (tiếng Thái nghĩa là “cua”). Cùng với anh trai là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bà thuộc thế hệ thứ tư trong một gia đình người Thái gốc Hoa đã chuyển sang họ Shinawatra vào năm 1938 vì các lý do chính trị.

Bà Yingluck tốt nghiệp cử nhân khoa chính trị học và hành chính công tại Đại học Chiang Mai năm 1988, sau đó lấy bằng thạc sĩ ngành hành chính công của Đại học bang Kentucky - Mỹ năm 1991.

Bà đã kết hôn nhưng không đăng ký về mặt pháp luật với ông Anusorn Amornchat, Tổng Giám đốc Tập đoàn M Link Asia Corporation PCL. Hai người có một con trai tên Supasek Amornchat.

 

Lúc này, nụ cười đã hiếm khi nở trên gương mặt Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ảnh: AP
Lúc này, nụ cười đã hiếm khi nở trên gương mặt Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ảnh: AP

 

Bà Yingluck bắt đầu sự nghiệp với vai trò nhân viên bán hàng và tiếp thị tại Công ty TNHH Shinawatra Directories - doanh nghiệp gia đình chuyên kinh doanh danh bạ điện thoại, công ty con của Tập đoàn AT&T International. Trước khi làm thủ tướng, bà từng là giám đốc điều hành Công ty Viễn thông AIS do ông Thaksin thành lập và là giám đốc điều hành Công ty SC Asset hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Ngày 16-5-2011, Đảng Pheu Thai chỉ định doanh nhân Yingluck là ứng cử viên chức thủ tướng trước cuộc tổng tuyển cử ngày 3-7-2011. Trước đó, bà đã phủ nhận cương vị thủ lĩnh đảng, đồng thời tuyên bố không muốn làm thủ tướng vì tập trung vào hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, ông Thaksin - bị đảo chính năm 2006 - khi đó đã quyết định thay cho bà. Theo BBC News, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Thaksin nhấn mạnh: “Yingluck là bản sao của tôi. Cô ấy có thể nói “có” hoặc “không” thay mặt tôi”.

Thế rồi, các nhà phê bình đã nhanh chóng chỉ ra sự non tay về chính trị của Yingluck, đồng thời chế giễu rằng phẩm chất chủ yếu của bà là cương vị em út ông Thaksin, một tỉ phú ngành viễn thông. Họ cho rằng vai trò chính của bà là duy trì lòng trung thành của những người tôn sùng ông Thaksin - chủ yếu là cử tri vùng nông thôn nghèo, sau đó thực hiện công việc người đại diện của anh trai trong khi ông ta điều hành đất nước từ nước ngoài, dù với thân phận sống lưu vong.

Phát biểu sau khi đắc cử, bà Yingluck tuyên bố đã có kế hoạch làm việc và tự tin khẳng định: “Tôi sẽ có đủ bản lĩnh để giúp Thái Lan phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế… Hy vọng nhân dân sẽ cho tôi cơ hội để chứng tỏ bản thân và tính chân thật của mình”.

Thách thức chồng chất

Báo Pattaya Mail nhận định: Là nữ thủ tướng đầu tiên ở Thái Lan lại thiếu kinh nghiệm về chính trị, bà Yingluck đã phải đối mặt với nhiều thách thức: Công chúng coi bà chỉ như con rối của ông Thaksin và việc kiện cáo bà khai man xuất phát từ vụ bán cổ phiếu Công ty Shin Corp cho Tập đoàn Temasek Holdings năm 2006. Ngoài ra, bà cũng phải chịu áp lực về cách thức sẽ thực hiện tất cả dự án tốn kém đã được quảng bá trong cuộc vận động tranh cử và đương đầu với phe đối lập mạnh mẽ ở quốc hội.

Ba tháng sau khi đắc cử, Thủ tướng Yingluck đối mặt với thách thức to lớn khi nhiều khu vực ở Thái Lan hứng chịu trận lụt dữ dội. Hơn 500 người ở miền Bắc thiệt mạng và 1/5 thủ đô Bangkok chìm trong biển nước. Tình hình này buộc chính phủ của bà Yingluck phải tuyên bố kế hoạch khôi phục đất nước trị giá 100 tỉ baht giữa lúc có những cáo buộc chính quyền không chuẩn bị ứng phó với thiên tai từ trước.

Đầu năm 2012, chính phủ của bà Yingluck, thông qua quỹ đền bù cho các nạn nhân trong cuộc chính biến mới xảy ra, chi 2 tỉ baht cho gia đình những người đã chết cũng như người bị thương hoặc bị bắt giữ oan. Khi đó, bà Yingluck cũng đã thiết lập mối quan hệ mật thiết với hoàng cung và quân đội. Thế nhưng, chính sách trợ cấp lúa gạo - mua gạo của nông dân với giá cao hơn thị trường để tăng cường thu nhập vùng nông thôn - đã khiến cho xuất khẩu của Thái Lan gặp khó khăn.

Dự luật ân xá chính trị do chính phủ của bà Yingluck đưa ra năm 2013 đã châm ngòi cho những cuộc phản đối gần đây. Theo đó, đối tượng được hưởng ân xá sẽ là những người bị kết tội gây ra bạo lực chính trị sau vụ đảo chính lật đổ ông Thaksin, kể cả những cuộc xuống đường phản đối từng làm tê liệt Bangkok năm 2010.

Một số người từng hậu thuẫn bà Yingluck tỏ ra không ủng hộ dự luật này vì cho rằng nhờ đó, những kẻ chịu trách nhiệm về cái chết của các thường dân năm 2010 sẽ được tự do. Làn sóng phản đối đã dấy lên mạnh mẽ vì người ta e ngại rằng đảng cầm quyền sẽ lợi dụng dự luật này để tạo điều kiện cho ông Thaksin được tự do trở về Thái Lan.

Trong lúc tình hình chính trị ở Thái Lan vẫn rối như tơ vò thì bà Yingluck lại phải đương đầu với thách thức mới từ sự phản đối của nông dân trồng lúa do chính phủ còn nợ họ hơn 100 tỉ baht. Các nhà phê bình phẫn nộ vì cho rằng kế hoạch này cổ vũ cho tham nhũng, làm tiêu hao kho bạc công và dẫn đến tình trạng không bán được cả núi chứng khoán. 

 

Tránh tranh luận

Theo báo The Nation, trước khi Hạ viện Thái Lan bị giải tán chờ tổng tuyển cử, phe đối lập lên án Thủ tướng Yingluck thường xuyên bỏ các phiên họp hạ viện và tránh tranh luận. “Yingluck, bà ở đâu?” - các nghị sĩ Đảng Dân chủ vẫn thường xuyên la to như thế khi bà vắng mặt lúc hạ viện tranh luận những vấn đề then chốt.

Cựu phó tư lệnh cảnh sát quốc gia Vasit Dejkunchorn nhận định bà Yingluck không có kinh nghiệm hoặc thiếu kỹ năng tranh luận để ứng phó trước những biện luận do phe đối lập đưa ra. Thậm chí, các nhà phê bình và nhà quan sát đã đặt vấn đề liệu bà Yingluck có thực sự muốn làm công việc của một nghị sĩ hay không.

 

Kỳ tới: Tỉ phú làm chính trị

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo