Bản hiến pháp mới cho phép sự giám sát của quân đội đối với việc thành lập quốc hội, chính phủ và hội đồng cải cách quốc gia, đồng thời xí xóa hành động đảo chính hôm 22-5 của lực lượng này do Tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh Bộ binh Thái Lan dẫn đầu.
Hiến pháp Thái Lan luôn không thể thiếu phần ân xá cho quân đội. Ảnh: Bloomberg
Theo tuyên bố đăng tải trên tờ Royal Gazette, quân đội sẽ chọn ra 220 thành viên cơ quan lập pháp, từ đó bầu thủ tướng và nội các gồm 35 thành viên. Tướng Prayuth Chan-Ocha – lãnh đạo Ủy ban Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự đã nhận được sự chuẩn y từ Quốc vương Bhumibol Adulyadej hôm 22-7.
Bản hiến pháp tạm thời nói trên đã đáp ứng được các yêu cầu của lực lượng biểu tình do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu kéo dài trong 6 tháng nhằm lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra. Ông Suthep đã hối thúc quân đội chiếm đoạt quyền lực và chỉ định một hội đồng cải cánh nhằm xóa bỏ tầm ảnh hưởng của bà Yingluck và người anh trai – ông Thaksin khi gia đình quyền lực này đã giành chiến thắng suốt 5 cuộc bầu cử vừa qua.
“Một phần của hiến pháp là nhằm tạo ra sự hợp pháp của hành động đảo chính với sự chuẩn y của Quốc vương. Hầu hết các hiến pháp Thái Lan đều có phần ân xá cho quân đội. Thực ra, ân xá cho quân đội đã trở thành một phần quan trọng trong hầu hết Hiến pháp Thái Lan. Điều đó thúc đẩy các cuộc đảo chính tiếp nối đảo chính” – ông Paul Chambers - Giám đốc Viên nghiên cứu Các vấn đề Đông Nam Á ở Chiang Mai, nhận định.
Theo Bangkok Post, hiến pháp tạm thời sẽ mở đường cho việc thành lập chính phủ mới, chậm nhất vào tháng 9. Tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh Bộ binh Thái Lan cho biết quân đội sẽ không giao toàn quyền cho chính phủ tạm quyền trước năm 2016.
Bình luận (0)