xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thái Lan dung túng nạn buôn người?

Hoàng Phương

Washington đã đưa Bangkok vào danh sách đen những nước đối phó kém với loại tội phạm buôn người

Nhà chức trách tỉnh Songkhla - Thái Lan hôm 6-5 cho biết đã tìm thấy 6 thi thể nghi là của người Rohingya Hồi giáo tại một trang trại cao su gần núi Khao Kaew. Trước đó một ngày, một trại bỏ hoang cùng 3 nạn nhân của nạn buôn người và ít nhất 5 ngôi mộ cũng được tìm thấy tại địa phương này.

Những phát hiện kinh hoàng

Hai địa điểm trên nằm gần một trại trên núi Khao Kaew bị phát hiện vào cuối tuần rồi cùng với thi thể của ít nhất 26 người, được cho là người Rohingya Hồi giáo và 1 người sống sót. Người ta tin rằng những nạn nhân bỏ mạng tại đây do bệnh tật hoặc bị chết đói.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục truy tìm bởi phát hiện này có nghĩa là bọn buôn người vẫn đang chạy trốn và mang theo con tin” - Thiếu tướng Amphon Buarubporn, Chỉ huy lực lượng cảnh sát tỉnh Songkla, cho biết hôm 5-5 khi cùng hàng chục cảnh sát lùng sục núi Khao Kaew.

Tại khu trại phát hiện hôm 5-5, cảnh sát đã phá dỡ 8 lều trại làm từ gỗ mới chặt, đồng thời tìm thấy một cục sạc pin điện thoại và quần áo - những dấu hiệu cho thấy một cuộc sơ tán chỉ mới diễn ra.

 

Những thi thể được tìm thấy tại một trang trại cao su ở tỉnh Songkhla - Thái Lan hôm 6-5. Ảnh: Reuters

Những thi thể được tìm thấy tại một trang trại cao su ở tỉnh Songkhla - Thái Lan hôm 6-5.

Ảnh: Reuters

 

Cũng trong ngày 5-5, tại tỉnh Phang Nga, cảnh sát Thái Lan cho biết đã phát hiện 2 bộ xương bị nghi có liên hệ đến hoạt động buôn người tại một số trại bỏ hoang, trong đó 1 bộ bị trói vào cây. Tỉnh ven biển Phang Nga được xem là một trong những điểm đến của người Rohingya Hồi giáo trên đường trốn chạy tình trạng bạo lực ở Myanmar.

Trong khi đó, do giáp biên giới với Malaysia nên tỉnh Songkhla cũng nằm trong số các tuyến đường được những người di cư, trong đó có người Rohingya Hồi giáo và Bangladesh, lựa chọn để dừng chân trước khi sang Malaysia. Giới chức Thái Lan tin rằng những trại nói trên được bọn buôn người sử dụng để nhốt người di cư trong lúc tống tiền gia đình họ.

Theo đài BBC, 3 người Thái (1 thành viên hội đồng địa phương, 2 cán bộ thôn ở tỉnh Songkhla) và 1 người Myanmar đã bị bắt hôm 4-5 vì tình nghi tham gia hoạt động buôn người sau những phát hiện trên. Nghi phạm người Myanmar tên Soe Naing, còn được gọi là Anwar. Cảnh sát địa phương cho biết y là “nhân vật trung tâm điều hành các khu trại và hoạt động đòi tiền chuộc”.

Bốn nghi phạm khác - cũng là quan chức địa phương - đang bị cảnh sát truy bắt. Ngoài ra, 14 sĩ quan cảnh sát đã bị thuyên chuyển khỏi tỉnh Songkhla trong lúc các cuộc điều tra được tiến hành để tìm hiểu xem họ có giúp che đậy sự tồn tại của những trại giam người nói trên hay không.

Liên minh ma quỷ

Những vụ bắt giữ phần nào phơi bày “liên minh ma quỷ” giữa bọn buôn người và quan chức, cảnh sát địa phương ở Thái Lan. Theo các tổ chức nhân quyền, những người này nhận hối lộ để thông đồng hoặc ít nhất là nhắm mắt làm ngơ. Ngoài ra, các cộng đồng địa phương được trả tiền để im lặng trong lúc thanh niên được thuê để làm bảo vệ cho những trại nói trên.

Những phát hiện trên là một đòn mạnh giáng vào Thái Lan, nước đang bị cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), chỉ trích mạnh mẽ do không trấn áp mạnh tay các mạng lưới buôn người bị xem là cầm giữ hàng ngàn người Rohingya Hồi giáo và người di cư Bangladesh mỗi năm.

Theo đài BBC, bọn buôn người thường trả từ 20.000 USD trở lên cho một chuyến tàu chở người di cư đến Thái Lan, sau đó tìm cách thu lại chi phí này bằng cách đòi gia đình họ trả những khoản tiền chuộc lớn. Những ai không được chuộc thường bị ngược đãi kinh hoàng hoặc sát hại.

Giới chức Mỹ đang kêu gọi điều tra nhanh chóng những cái chết nói trên. Washington vào năm ngoái đã đưa Bangkok vào danh sách đen những nước đối phó kém với tội phạm buôn người. Dù đã cam kết làm hết sức để ra khỏi danh sách nhưng uy tín của Thái Lan một lần nữa bị hoen ố sau khi hãng tin AP tiết lộ một số tàu cá nước này bắt người Myanmar, Campuchia hoặc Lào làm việc như nô lệ.

 

Khổ như người Rohingya Hồi giáo

Những phát hiện kinh hoàng về trại buôn người ở Thái Lan một lần nữa báo động về số phận bi thảm của người Rohingya Hồi giáo. Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2014 xem họ là đối tượng dễ bị bọn buôn người làm tổn thương nhất.

Theo đài BBC, Myanmar không xem người Rohingya Hồi giáo thiểu số, chủ yếu sống tại bang Rakhine, là công dân mà coi họ là người nhập cư tới từ Bangladesh. Vì thế, hàng trăm ngàn người Rohingya Hồi giáo đang sống trong những cộng đồng bị cô lập trong lúc nhiều người khác buộc phải chạy trốn “sự đàn áp bạo lực” trong nhiều năm qua.

Theo đài CNN, người Rohingya Hồi giáo thường chạy đến miền Tây Nam Thái Lan bằng thuyền, rồi tìm đường sang Malaysia, nơi họ thường làm việc bất hợp pháp.

 

Nguồn: Reuters

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo