Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), tâm dư chấn nằm cách thủ đô Kathmandu khoảng 110 km về phía Đông. Hiện vẫn chưa rõ thiệt hại mà dư chấn mới gây ra nhưng nó ít nhiều cản trở nỗ lực khắc phục hậu quả thảm họa hôm 26-4.
Hoạt động cứu hộ tại những khu vực bị động đất tàn phá diễn ra suốt đêm trong điều kiện khó khăn. Không ít nhân viên cứu hộ chỉ còn biết dùng tay không để đào bới với hy vọng tìm thấy người sống sót bị chôn vùi bên dưới đống đổ nát.
Tại thủ đô Kathmandu, một nhóm cứu hộ của sĩ quan cảnh sát Santosh Nepal làm việc không ngừng nghỉ suốt đêm để mở đường vào một tòa nhà bị đổ sập. Santosh cho hãng tin Reuters biết người của ông chỉ có thể dùng rìu đập gạch đá rồi dùng tay chuyển chúng ra ngoài vì xe ủi không vào được do đường sá nhỏ hẹp. Chỉ về phía đống đổ nát của tòa nhà, viên sĩ quan này cho rằng vẫn còn nhiều người bị mắc kẹt bên trong.
Nhân viên cứu hộ hôm 26-4 đào bới để tìm người sống sót sau thảm họa động đất
tại TP Bhaktapur - Nepal. Ảnh: Reuters
Trận động đất kinh hoàng đã đẩy nhiều người sống sót rơi vào cuộc sống màn trời chiếu đất. Nhiều người buộc phải ngủ ở công viên hoặc trên vỉa hè dưới cái lạnh bởi không dám trở về những căn nhà bị hư hại hoặc có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào.
Giới chức trách Nepal đang nỗ lực để bố trí chỗ ở cho hàng ngàn người bị ảnh hưởng sau thảm họa. Một nỗi lo khác là tình trạng thiếu nơi chứa thi thể nạn nhân và thuốc men tại các bệnh viện ở thung lũng Kathmandu, theo đại diện của tổ chức từ thiện Save the Children (Anh).
Động đất cũng làm thiệt mạng ít nhất 57 người ở Ấn Độ, 17 người tại vùng Tây Tạng - Trung Quốc và 4 người ở Bangladesh. Ngoài ra, 18 thi thể và ít nhất 30 nhà leo núi bị thương đã được tìm thấy hôm 26-4 sau khi động đất gây ra một trận lở tuyết trên núi Everest. Tuy nhiên, hàng trăm người khác được cho là vẫn còn mắc kẹt trên đó. Chiếc máy bay cứu hộ đầu tiên đã đưa được 15 người sống sót trong trận lở tuyết trên nóc nhà thế giới đến Kathmandu.
Trước thảm họa tồi tệ nêu trên, cộng đồng quốc tế hôm 26-4 đã đồng loạt gửi lời chia buồn cũng như chung tay giúp Nepal khắc phục hậu quả. Chính phủ Ấn Độ đã gửi đội hỗ trợ y tế và cứu trợ đến Nepal. Trung Quốc cũng điều động một đội cứu hộ khẩn cấp gồm 62 thành viên đến Nepal, đồng thời lên kế hoạch điều máy bay đến đón 683 công dân được cho là đang du lịch tại nước này. Các nước Anh, Pakistan, Singapore... đã triển khai đội ngũ chuyên gia nhân đạo đến Nepal hỗ trợ những nạn nhân bị ảnh hưởng.
Nhiều nước cam kết hỗ trợ tài chính và viện trợ nhân đạo cho Nepal. Đáng chú ý là ngoài việc điều động một đội phản ứng thảm họa đến Nepal, Mỹ còn hỗ trợ quốc gia Nam Á này 1 triệu USD để giải quyết những vấn đề cần thiết trước mắt. Các nhóm cứu trợ quốc tế khác cũng nhanh chóng đến Nepal để cung cấp nước sạch, thực phẩm và hỗ trợ về vấn đề vệ sinh.
Chưa có thông tin người Việt thương vong
Ngày 26-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn tới ông Sushil Koirala, Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Nepal, ông Mahendra Bahadur Pandey, bày tỏ cảm thông sâu sắc trước những tổn thất to lớn của Nepal; mong nhân dân Nepal sẽ vượt qua đau thương, mất mát và sớm ổn định cuộc sống.
Cùng ngày, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Bangladesh cho biết hiện chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong trong vụ động đất ở Nepal ngày 25-4.
Các gia đình có người thân đang ở Nepal hoặc ai có thông tin về công dân Việt Nam có thể là nạn nhân của vụ động đất, hãy thông báo ngay theo số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484, +84462844844) hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (+911126879852) và đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh (+88029854052) để Bộ Ngoại giao có thể kịp thời hỗ trợ.
D.Ngọc
Bình luận (0)