xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thảm họa từ chiếc cầu treo

Hoàng Phương

Kết luận ban đầu của Ủy ban Điều tra vụ giẫm đạp ở Campuchia đã cho biết cây cầu lắc lư là nguyên nhân của thảm họa này. Chính phủ Campuchia thừa nhận đã không quan tâm đúng mức đến vấn đề kiểm soát đám đông tại lễ hội nước

Ủy ban điều tra vụ giẫm đạp trên cây cầu treo Koh Pich ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) tối  22-11 cho biết việc cây cầu này lắc lư  là nguyên nhân của thảm họa. 

img
Những người sống sót trong vụ giẫm đạp được điều trị tại Bệnh viện Preah Kossamak hôm 24-11. Ảnh: AP
 
Cây cầu bị quá tải
 
Đài truyền hình Bayon TV hôm 24-11 dẫn kết luận ban đầu của cuộc điều tra cho biết nhiều người trong đám đông đến từ nông thôn nên họ không biết rằng việc cây cầu treo lắc lư là bình thường. Vì thế, khi cầu lắc lư, họ tìm cách rời cây cầu do lo ngại nó bị sập,  dẫn đến cảnh hỗn loạn và  giẫm đạp. Ủy ban điều tra đã đưa ra kết luận nói trên dựa vào kết quả kiểm tra hiện trường, lời kể của người bị thương và nhân chứng.
 
Thiếu tướng Sok Phal, phó cảnh sát trưởng quốc gia và là phó chủ tịch ủy ban điều tra, cho Tân Hoa Xã biết: “Cầu Koh Pich là loại cầu treo nhưng nhiều người không biết điều này. Vì thế, khi cầu lắc lư, 4  hoặc 5 người cảm thấy chóng mặt và ngất đi. Điều này đã dẫn đến tin đồn rằng cây cầu sắp sập”. Ông Sok Phal nói thêm rằng cây cầu thật ra vẫn còn rất tốt.
 
Cũng theo ủy ban điều tra, sự hoảng loạn càng thêm nghiêm trọng bởi tình trạng nhiều người trở nên khó thở do bị kẹt cứng trên cầu. Theo ước tính, khoảng từ 7.000-8.000 người ở trên cầu khi thảm họa xảy ra. Ngoài ra, trước khi vụ giẫm đạp xảy ra, những người trên cầu nghe thấy những tiếng la rằng cây cầu sắp sập, khiến họ càng thêm hoảng loạn.  Thảm kịch xảy ra khi hàng chục ngàn người kéo đến xem một buổi hòa nhạc miễn phí tại đảo Kim Cương trên sông Bassac. Đây là một sự kiện nằm trong khuôn khổ lễ hội nước diễn ra ở Campuchia từ ngày 20 đến 22-11. 
 
Về tình hình thương vong của thảm họa, Bộ trưởng Thông tin Khieu Kanharith hôm 24-11 cho biết thống kê chính thức mới nhất đã có 351 người chết và 395 người bị thương.  Hầu hết nạn nhân đã được nhận diện tại các bệnh viện và thi thể họ được xe tải của chính phủ đưa về làng cùng với những người thân của họ. Các đám tang đầu tiên đã diễn ra trong lúc hàng ngàn người Campuchia đốt nến tưởng niệm những nạn nhân của thảm họa. Ngoài ra, Bộ Du lịch Campuchia đã ra lệnh toàn bộ địa điểm giải trí đóng cửa trong ngày 25-11 để tưởng niệm các nạn nhân.
img
Một phụ nữ khóc thương người chồng thiệt mạng trong vụ giẫm đạp. Ảnh: REUTERS
 
Chính phủ nhận lỗi
 
Một vấn đề được  quan tâm nhiều hiện nay là làm sao rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết để tránh xảy ra một thảm họa tương tự. Một quan chức chính phủ giấu tên cho Tân Hoa Xã biết rằng ít có biện pháp đề phòng được thực hiện trước và trong lúc diễn ra lễ hội nước. Ông cho rằng lẽ ra nhà chức trách, cảnh sát và nhân viên y tế ở Phnom Penh cần chuẩn bị tốt hơn cho một sự kiện lớn và quan trọng như thế. Quan chức này nói: “Trong một sự kiện tầm cỡ như vậy, nhà chức trách phải có kế hoạch cụ thể về sơ tán, chữa cháy và cấp cứu”.
 
Về phần mình, Chính phủ Campuchia cũng thừa nhận đã không quan tâm đúng mức đến vấn đề kiểm soát đám đông tại lễ hội nước kéo dài 3 ngày này. Ông Kanharith cho hãng tin AFP biết: “Chúng  tôi quan tâm đến nguy cơ lật thuyền và nạn móc túi. Chúng tôi đã làm tốt những công việc này nhưng chúng tôi không nghĩ đến nguy cơ xảy ra một thảm họa như thế”.
 
Cũng theo ông Kanharith, đảo Kim Cương và các cây cầu bắc qua đảo thuộc sở hữu tư nhân. Vấn đề an ninh ở những nơi này do một công ty tư nhân phụ trách. Ông nói: “Đây là nơi của tư nhân nên họ sử dụng lực lượng an ninh của riêng mình. Cảnh sát chỉ giúp giữ trật tự ở bên ngoài”.  Ông Touch Samnang, giám đốc của công ty quản lý hòn đảo, từ chối bình luận về vụ việc mà chỉ cho biết họ đã bị ủy ban điều tra thẩm vấn.
 
Đây không phải là lần đầu tiên có tai nạn xảy ra tại lễ hội nước. Gần đây nhất, vào năm 2007, 5 người Singapore tử vong  khi chiếc thuyền rồng chở 22 người bị lật tại một cuộc đua thuyền.
img
Đám tang 2 nạn nhân của vụ giẫm đạp tại Phnom Penh hôm 24-11. Ảnh: REUTERS

 

Thái Lan hỗ trợ tài chính để giải quyết hậu quả

 
Sau vụ giẫm đạp xảy ra vào ngày cuối cùng của lễ hội nước ở Phnom Penh hôm 22-11, Campuchia đã tiếp nhận rất nhiều thư chia buồn và sự hỗ trợ dành cho các nạn nhân xấu số.
img
Các sĩ quan Campuchia đứng bên ngoài lều chứa thi thể nạn nhân tại Bệnh viện Preah Kossamak ở Phnom Penh. Ảnh: AFP
 
Theo báo The Phnom Penh Post, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho biết ông sẵn sàng hỗ trợ tài chính để giúp Campuchia giải quyết hậu quả của thảm họa tồi tệ nhất sau thảm họa diệt chủng Pol Pot. “Thay mặt cho chính phủ và nhân dân Thái Lan, tôi gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến gia đình của các nạn nhân trong tai nạn vừa qua” - ông Abhisit nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Thani Thongpakdi cho biết  trước mắt nước này sẽ gửi 30.000 USD để hỗ trợ khẩn cấp. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hữu nghị Thái Lan – Campuchia đã mở tài khoản số 0021482001 ở Ngân hàng Krung Thai để tiếp nhận mọi sự trợ giúp.
 
Hôm 23-11, đoàn cứu trợ từ tổ chức nhân đạo Tầm nhìn Thế giới (Mỹ) đã đến thăm 8 bệnh viện đông nghẹt nạn nhân trong vụ tai nạn. Họ đã cung cấp thuốc men dùng trong 5 ngày cùng với lương thực thực phẩm. Tổ chức Tầm nhìn Thế giới cho biết hàng trăm người bị thương đang rất cần giúp đỡ về thuốc men và các hỗ trợ khác.

Huệ Bình

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo